Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM đầu tư 650 tỷ đồng triển khai đề án điện mặt trời áp mái trên trụ sở công

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 29-8, ông Nguyễn Phương Duy, Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương TP.HCM đã chia sẻ về đề án lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên các trụ sở công. Đây là một phần trong chiến lược phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm chi phí năng lượng cho các cơ quan hành chính và đơn vị trên địa bàn TP.

Hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: IT

Quy mô đầu tư và chi phí dự kiến

Theo ông Nguyễn Phương Duy, Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương, đề án đã được Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan để nghiên cứu và hoàn thiện. Quy mô đầu tư giai đoạn đầu dự kiến sẽ bao gồm 440 trụ sở với tổng công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 650 tỷ đồng, tuy nhiên số liệu này sẽ được điều chỉnh khi dự án đi vào triển khai cụ thể.

Các trụ sở được lắp đặt bao gồm: 65 trụ sở quân đội: tổng công suất 5,4 MWp; 72 trụ sở công an: tổng công suất 6,529 MWp; 57 trụ sở bệnh viện trọng điểm: tổng công suất 9,588 MWp; 246 trụ sở các sở, ban ngành, UBND các quận huyện và đơn vị khác: tổng công suất 21,795 MWp.

“Thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5-7 năm, thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị. Đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin khoảng trên 20 năm thì việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Duy cho biết.

 

Kết quả thí điểm và hiệu quả kinh tế

Trong thời gian qua, TP.HCM đã thí điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại một số trụ sở và đã mang lại những kết quả khả quan. Cụ thể, tại trụ sở Sở Công thương, hệ thống có tổng công suất 21kWp với chi phí đầu tư khoảng 550 triệu đồng. Sau khi lắp đặt, chi phí điện năng giảm từ 344 triệu đồng năm 2020 xuống còn khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, tiết kiệm trung bình 130 triệu đồng mỗi năm.

Tại trụ sở UBND quận 3, hệ thống có công suất 31,04kWp với chi phí đầu tư 750 triệu đồng. Tiền điện sau khi lắp đặt giảm từ 93 triệu đồng/tháng xuống còn khoảng 85 triệu đồng/tháng, giúp tiết kiệm trung bình 93 triệu đồng mỗi năm.

 

Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu và chính sách hỗ trợ

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chỉ giao cho “UBND TP quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó”.

“Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần chứng chỉ xanh, dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có nội dung ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu cần chứng chỉ xanh. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Sở Công thương sẽ thông tin đến các doanh nghiệp”, ông Duy chia sẻ.

Thủy Phạm

Bình luận (0)