Chiều 5-9, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết về các bước tiến của ngành y tế TP nhằm hướng tới xây dựng một nền y tế thông minh. Góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh trong tương lai.
Trong quá trình này, công tác chuyển đổi số đóng vai trò chủ đạo với nhiều hoạt động trọng tâm.
Triển khai sổ sức khỏe điện tử cho người dân
Dự kiến trong thời gian tới sẽ có dữ liệu để tạo lập sổ sức khỏe điện tử ban đầu về thông tin hành chính cho người dân TP từ các nguồn dữ liệu bao gồm dữ liệu tiêm chủng mở rộng, dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và dữ liệu của các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và dữ liệu này sẽ được tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và ứng dụng Công dân số của TP.
Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý dịch bệnh
Một trong những nhiệm vụ của ngành y tế trong thời gian tới là chuyển đổi số toàn bộ hoạt động quản lý dịch bệnh. Dữ liệu về quản lý dịch bệnh sẽ được liên kết và đồng bộ với các cơ sở dữ liệu lớn của TP, và tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử TP.
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho ngành y tế
Ngành y tế cũng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung, ưu tiên trước hết là các dữ liệu quan trọng liên quan đến quản lý điều hành, sổ sức khỏe điện tử, dữ liệu khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
Ứng dụng công nghệ thông minh trong khám chữa bệnh
Công tác khám chữa bệnh cũng sẽ được ứng dụng công nghệ thông minh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Những ứng dụng như hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử, đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, y tế từ xa.
Bên cạnh đó, những công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet kết nối vạn vật (IoT) cũng sẽ được triển khai trong quá trình chẩn đoán, điều trị và theo dõi người bệnh tại các bệnh viện, mang lại sự chính xác và hiệu quả cao hơn trong công tác điều trị.
Hoàn thành chuyển đổi số y tế đến 2025
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, ngành y tế TP.HCM sẽ hoàn thành cơ bản công tác chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Đây là một phần quan trọng trong đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Thủy Phạm
Bình luận (0)