Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài

Tạp Chí Giáo Dục

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vừa phối hợp với Đảng ủy Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), Đảng ủy Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Thường vụ Hội Khuyến học TP, Thành Đoàn, Đảng ủy ĐHQG TP.HCM, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM

Bà Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức cho biết: “Năm 2023, 34/34 phường tiếp tục đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ mức độ 2, TP.Thủ Đức tiếp tục được công nhận mức độ 2 về xóa mù chữ”

Phát biểu tại tọa đàm, thạc sĩ Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, nhấn mạnh rằng khuyến học, khuyến tài đã nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo các cấp, từ Thành ủy, UBND TP.HCM đến Sở GD-ĐT.

Đặc biệt, trong đầu năm 2024, TP.HCM đã vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, điều này khẳng định vị trí quan trọng của khuyến học trong chiến lược phát triển của TP.HCM, đồng thời mở ra những thách thức mới trong việc xây dựng một xã hội học tập toàn diện.

TP.Thủ Đức: Chi hội khuyến học, hội viên tạo nền tảng vững chắc

Tại TP.Thủ Đức, công tác khuyến học đã được triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức, cho biết TP.Thủ Đức đã và đang tập trung thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” cùng với kế hoạch “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị” đến năm 2030.

Các mô hình học tập như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” đã được triển khai rộng rãi, với trên 80% gia đình tại Thủ Đức đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Đặc biệt, mô hình “Công dân học tập” được triển khai với sự hỗ trợ của phần mềm quản lý đã thu hút sự tham gia tích cực từ người dân, góp phần nâng cao ý thức học tập suốt đời trong cộng đồng.

Tính đến cuối năm 2023, TP.Thủ Đức đã có 482 chi hội khuyến học trực thuộc hội khuyến học phường, với tổng số hội viên lên đến 191.116, chiếm gần 20% dân số TP.Thủ Đức. Mạng lưới khuyến học được xây dựng đều khắp từ các cơ quan, trường học, đến các doanh nghiệp, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần học tập trong cộng đồng.

Chỉ trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, TP.Thủ Đức đã trao 42.829 suất học bổng với tổng giá trị lên đến gần 56 tỷ đồng, trong đó học bổng khuyến tài có 2.529 suất với số tiền 5,493 tỷ đồng. Ngoài ra hội khuyến học các cấp đã vận động hội viên thực hiện nuôi 800.105 heo đất khuyến học với tổng số tiền là 301,045 tỷ đồng. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của phong trào khuyến học tại TP.Thủ Đức.

Huyện Củ Chi: 88,7% lao động nông thôn được đào tạo

Ở huyện Củ Chi, công tác khuyến học không chỉ dừng lại ở hỗ trợ trẻ em nghèo mà còn mở rộng thông qua mô hình Câu lạc bộ “Cha mẹ tinh thần”. Mô hình này thu hút những người lớn nhận đỡ đầu, chăm sóc, động viên các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi, cơ nhỡ, giúp các em có thêm động lực tiếp tục đến trường.

Chính quyền Củ Chi cũng chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự đóng góp từ nhân dân và các nhà tài trợ để gây quỹ khuyến học. 100% các xã, thị trấn tại Củ Chi đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những trung tâm này không chỉ mở các lớp phổ cập, chống mù chữ, mà còn tổ chức nhiều lớp tập huấn thực tiễn như kỹ thuật nuôi bò sữa, trồng rau sạch, hay học nghề ngắn hạn, ngoại ngữ, tin học.

Học sinh Trường THCS Bình Trị Đông B, quận Bình Tân được học trong phòng học mới, khang trang

Đáng chú ý, tỷ lệ lao động nông thôn ở Củ Chi đã qua đào tạo và được cấp chứng chỉ đạt 88,7%. Học sinh, sinh viên tham gia học kỹ năng sống đạt tỷ lệ 94,93%, còn người lao động đạt tỷ lệ 93,81%. Đặc biệt, trình độ tay nghề của công nhân tại Củ Chi không ngừng được nâng cao, với 80,51% lao động qua đào tạo nghề và 75,94% công nhân có trình độ THPT hoặc tương đương.

Công tác khuyến học tại huyện Củ Chi đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng xã hội học tập, giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân, cũng như đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế chủ lực.

Quận Bình Tân: 204 phòng học mới được đưa vào sử dụng

Quận Bình Tân đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác khuyến học, với 100% phường và khu phố thành lập hội khuyến học, chi hội khuyến học, tổ khuyến học trong hệ thống giáo dục. Đồng thời, 100% các trường học trên địa bàn đều có chi hội khuyến học, đảm bảo phong trào khuyến học được triển khai đồng bộ.

Hoạt động gây quỹ và hỗ trợ học sinh nghèo, khuyến tài cũng diễn ra sôi nổi tại quận. Các chương trình như “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”, “Mở sổ tiết kiệm” và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi.

Trong 5 năm qua, tổng kinh phí dành cho học bổng và quà tặng đã đạt hơn 29 tỷ đồng, với 34.003 suất học bổng và 374 góc học tập được trao tặng. Trong đó, riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn đã trao 11.236 suất học bổng trị giá 10,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quận Bình Tân còn có 10 trung tâm học tập cộng đồng tại 10 phường, đạt tỷ lệ 100%, với tổng kinh phí ban đầu 30 triệu đồng/trung tâm để trang bị cơ sở vật chất. Các trung tâm này đã thu hút hơn 364.712 lượt người tham gia học tập, trở thành nền tảng quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội học tập. Quận cũng chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho giáo dục, hàng năm bố trí kinh phí từ 20 đến 30 tỷ đồng để sửa chữa các trường học.

Trong năm học 2023-2024, quận Bình Tân đã tiến hành sửa chữa 24 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 13 trường trung học cơ sở với tổng kinh phí hơn 18,21 tỷ đồng. Về xây dựng bổ sung số phòng học, năm học 2024-2025, Bình Tân đã hoàn thiện 7 dự án trường học công lập với tổng cộng 204 phòng học, trong đó có 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở.

Thủy Phạm

Bình luận (0)