Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh về tác hại của ma túy, thuốc lá mới

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP.HCM đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn cho học sinh thành phố về tác hại của ma túy, thuốc lá mới, chung tay xây dựng một thế hệ trẻ thành phố khỏe mạnh, hòa với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sáng 23-12, gần 1.000 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn quận 1, quận 3 đã được tham gia chuyên đề tuyên truyền, phòng chống tội phạm về ma túy, thuốc lá mới trong trường học.

TP.HCM đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh về thuốc lá mới

“Không thử ma túy dù chỉ một lần”

Tại buổi tập huấn, Trung tá Hồ Ngọc Văn – cán bộ Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM thông tin, theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2024, TP.HCM có hơn 23.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, khoảng 4.500 hồ sơ người sử dụng trái phép chất ma túy. Đặc biệt trong đó có tới 171 người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, là học sinh, sinh viên…

Theo ông, ma túy là chất gây nghiện, làm người sử dụng bị lệ thuộc về cả thể chất, tinh thần, do đó tệ nạn ma túy là mảnh đất màu mỡ của tội phạm. 85% người nghiện trả lời rằng sẵn sàng làm bất cứ việc gì để được thỏa mãn cơn nghiện. Thống kê trên địa bàn TP.HCM có tới 55-75% đối tượng cướp giật, trộm cắp là người nghiện ma túy.

Trung tá Hồ Ngọc Văn – cán bộ Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM cảnh báo đến học sinh về tác hại của ma túy

Trung tá Văn cho hay, tội phạm về ma túy trên địa bàn TP.HCM thời gian qua tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đối tượng triệt để sử dụng không gian mạng thông qua Zalo, Facebook để thực hiện hành vi phạm tội, xây dựng những clip để quảng cáo, mời gọi giới trẻ sử dụng các loại ma túy núp bóng, như các loại ma túy được tẩm ướp trong thực phẩm, nước uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử… để đầu độc giới trẻ.

Đối tượng lợi dụng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như bar, karaoke, khách sạn, nhà hàng… để núp bóng, tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy. Năm 2024, TP.HCM đã triệt phá 755 vụ tổ chức sử dụng, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy – gấp 5 lần năm 2023.

“Qua triệt phá các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì thấy rằng tội phạm ma túy, người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang ngày càng trẻ hóa. Dưới 30 tuổi chiếm 70%. Và các đối tượng đang có xu hướng chuyển từ sử dụng ma túy truyền thống sang ma túy tổng hợp, nhất là ma túy đá. Đối tượng sử dụng ma túy đá thì chưa có liệu trình nào để điều trị. Khi sử dụng ma túy đá lâu năm sẽ dẫn đến ảo giác, loạn thần, gây ra những hành vi man rợ với ngay cả người thân của mình…” – Trung tá Hồ Ngọc Văn cảnh báo.

Từ cảnh báo đó, ông nhấn mạnh, vấn nạn ma túy là vấn nạn mang tính toàn cầu. Để đấu tranh bài trừ vấn nạn này đòi hỏi trách nhiệm của mọi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Riêng với mỗi học sinh, ông khuyên rằng các em là tương lai đất nước. Trong quá trình trưởng thành các em có nhiều sự lựa chọn khác nhau, lựa chọn đó có thể là lựa chọn đúng, có thể sai. Mọi lựa chọn sai đều có thể lựa chọn lại nhưng với riêng ma túy, nếu lựa chọn nó thì không thể lựa chọn lại vì đã đánh mất cả thanh xuân, cuộc đời. Do vậy, đừng bao giờ sử dụng ma túy, hãy nói không với ma túy dù chỉ một lần.

Nghiêm cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Cũng tại buổi tập huấn, bà Phạm Thị Thu Hiền – chuyên viên Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin đến học sinh về phòng, chống thuốc lá mới trong trường học. Trong đó, bà đặc biệt nhấn mạnh đến việc tại nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 8 được thông qua chiều 30-11-2024, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Quốc hội yêu cầu Chính phủ nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo bà Phạm Thị Thu Hiền – chuyên viên Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi học sinh cần có bản lĩnh, tỉnh táo trước những lời rủ rê sử dụng thuốc lá mới

Theo bà Hiền, tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn và trong nhóm có mức sống khá, trong nhóm học sinh, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng khá cao. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành khảo sát sức khỏe học sinh toàn cầu cho thấy tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử (trong 30 ngày qua, có ít nhất 1 ngày sử dụng thuốc lá điện tử) ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%.

Riêng tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh hiện rất đáng quan ngại. Một nghiên cứu khác tại Hà Nội năm 2020 cho thấy tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Từ ngày 16 đến 23-12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức 10 buổi chuyên đề tập huấn cho học sinh về tác hại của ma túy, thuốc lá mới

Bà Hiền cho hay, có nhiều yếu tố làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, như: Thanh thiếu niên hiểu không đúng rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể dùng để thay thế thuốc lá điếu thông thường do ít hại hơn; Thanh thiếu niên hiểu nhầm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm cai nghiện thuốc lá thông thường. Dù vậy, trên thực tế, Nicotine và nhiều chất hóa học trong dung dịch điện tử và khói thuốc lá điện tử là chất gây hại đối với sức khỏe.

“Rất nhiều thanh thiếu niên thử dùng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là do bị bạn bè lôi kéo; sử dụng với tâm lý cho rằng “ngầu”; tâm lý e ngại mất bạn, sợ không hòa đồng với bạn bè, sợ bị cô lập trong nhóm bạn… là lý do nhiều thanh thiếu niên bắt đầu dùng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Thiếu bản lĩnh, thiếu kỹ năng sống cũng là yếu tố làm thanh thiếu niên dễ bị bạn bè lôi kéo…” – bà Hiền nêu.

Từ đó, bà cảnh báo mỗi học sinh cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử. Mỗi học sinh cần trau dồi cho mình bản lĩnh, kỹ năng sống để học tập, phấn đấu, rèn luyện chứ không nên thể hiện mình bằng việc sử dụng thuốc lá điện tử…

Được biết, trong thời gian từ 16 đến 23-12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức 10 buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng chống ma túy, thuốc lá mới cho học sinh thành phố. Từ các buổi tập huấn đã cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng nhận diện và phòng ngừa ma túy, tội phạm ma túy cũng như về thuốc lá mới…

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)