Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Hiển, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực y tế và chính quyền TP.HCM. Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Một thực trạng nhìn thấy
Theo ông Nguyễn Thanh Hiển, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thì ngành y tế TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe cho không chỉ cư dân TP mà còn hàng triệu bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành, bao gồm cả những khu vực xa xôi như miền Trung.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cùng sự gia tăng liên tục của các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế đã tạo ra áp lực lớn, đặc biệt là trong việc đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hiển, TP.HCM đang chứng kiến sự tăng trưởng liên tục của các cơ sở y tế, bất chấp một số đơn vị phải tạm ngưng hoạt động. “Tuy có những doanh nghiệp gặp khó khăn và phải đóng cửa, nhưng nhìn chung, số lượng cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực y tế vẫn tăng mạnh, đặc biệt là doanh thu từ các hoạt động này đang phát triển vượt bậc”.
Bên cạnh các bệnh viện công lập, hệ thống bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa và các dịch vụ y tế khác cũng phát triển mạnh, tạo sự đa dạng trong các loại hình chăm sóc sức khỏe. Điều này không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển mà còn đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng kinh doanh vượt phạm vi hoặc cung cấp dịch vụ không đạt chuẩn.
Mặc dù ngành y tế TP.HCM có nhiều điểm sáng, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được khắc phục, đặc biệt trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Các thanh tra y tế đã phát hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép, hoặc các cơ sở có giấy phép nhưng lại cung cấp dịch vụ vượt phạm vi chuyên môn được phê duyệt. Các sai phạm này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành mà còn đặt sức khỏe người dân vào tình trạng rủi ro.
Ngoài ra, tình trạng nhân sự không đủ điều kiện hành nghề hoặc thiếu chứng chỉ chuyên môn cũng là một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều cơ sở. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các cơ quan quản lý trong việc tăng cường kiểm tra và xử lý các sai phạm nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Xử lý những sai phạm
Trong lĩnh vực dược phẩm, vấn đề kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Các thanh tra y tế đã phát hiện nhiều trường hợp thuốc giả, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, và chuyển một số vụ việc nghiêm trọng qua cơ quan công an để xử lý. Tình trạng này không chỉ làm suy giảm lòng tin của người dân vào hệ thống y tế mà còn đặt ra nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Ông Hiển chia sẻ: “Các nhà thuốc và cơ sở bán lẻ dược phẩm cũng bị phát hiện vi phạm khi thiếu vắng nhân sự phụ trách chuyên môn hoặc không có giấy phép kinh doanh. Đặc biệt, tại các vùng ven, tình trạng kinh doanh thuốc không phép vẫn diễn ra khá phổ biến, dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát về chất lượng dược phẩm”.
Trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế, việc mua bán thiết bị không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang diễn ra phổ biến. Các sản phẩm như botox, filler dễ dàng được mua bán qua các nền tảng thương mại điện tử mà không cần giấy phép hay chứng nhận chất lượng. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng khi người dân sử dụng những sản phẩm y tế này mà không biết rõ về nguồn gốc hay chất lượng thực sự.
Việc phân loại thiết bị y tế cũng là một vấn đề khó khăn cho các doanh nghiệp, khi quy định phân loại theo mức độ phức tạp của sản phẩm không được thực hiện chính xác. Điều này khiến nhiều thiết bị không đạt tiêu chuẩn lưu hành nhưng vẫn tồn tại trên thị trường, gây ra những rủi ro cho người sử dụng.
Ngành mỹ phẩm cũng đối mặt với nhiều thách thức tương tự. Thanh tra Sở Y tế cho biết, thời gian vừa qua đã phát hiện nhiều trường hợp mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí có hành vi làm giả sản phẩm, ghi nhãn sai thông tin về xuất xứ. Các trường hợp này thường nhắm đến việc tăng giá trị thương mại bằng cách giả mạo thông tin về công nghệ, nguồn nguyên liệu hoặc dây chuyền sản xuất.
“Một điểm tồn tại phổ biến trong ngành mỹ phẩm là việc ghi nhãn không chính xác, không khớp với thông tin đã đăng ký trên phiếu công bố hay giấy phép quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp ghi trên nhãn sản phẩm là “công nghệ Nhật Bản” nhưng khi kiểm tra lại không hề có bất kỳ yếu tố nào liên quan đến Nhật Bản trong quy trình sản xuất, khi được hỏi tại sao lại viết trên nhãn như vậy, thì doanh nghiệp trả lời rằng “để bán cho được hàng””, ông Hiển cho biết.
Trong thời đại truyền thông phát triển, quảng cáo trên mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo hay Instagram trở thành một phương tiện phổ biến. Tuy nhiên, nhiều quảng cáo liên quan đến sản phẩm y tế, dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế thường không phản ánh đúng sự thật. Những quảng cáo về các liệu pháp thẩm mỹ không xâm lấn hoặc giảm cân thần tốc đã gây ra sự hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến họ tin vào những hiệu quả phi thực tế.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng là các quảng cáo này chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép nội dung trước khi phát hành. Điều này dẫn đến nhiều sai phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Để giải quyết triệt để các sai phạm trong lĩnh vực y tế, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, việc tuyên truyền và nhắc nhở người dân đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về các dịch vụ y tế an toàn và đúng pháp luật. Đồng thời, việc xử lý phản ánh kịp thời qua các kênh tiếp nhận thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, và đặc biệt là Công an TP.HCM để giải quyết các vụ việc trọng điểm, sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý.
Song song với đó, thanh tra Sở Y tế cũng chủ động rà soát, kiểm tra các quảng cáo, đảm bảo việc kinh doanh trong lĩnh vực y tế tuân thủ pháp luật, mang lại sự an tâm cho người dân khi sử dụng các dịch vụ.
Hoàng Sang
Bình luận (0)