Tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM tháng 4, 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Để tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm, TP tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Tăng trưởng tích cực
Bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM – cho biết, tình hình kinh tế – xã hội của TP trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; các chỉ tiêu tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong tháng 4, tổng thu du lịch ước đạt 19.919 tỷ đồng, tăng gần 30% so cùng kỳ năm 2024; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 444.885 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
TP đã giao và phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 là 85.517,052 tỷ đồng. Đến hết ngày 29-4, TP đã giải ngân 6.068 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,2% trên tổng mức vốn đầu tư công năm 2025.
Tính chung tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký bổ sung trong 4 tháng đầu năm là 229.394 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ.
Ông Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – nhìn nhận, trong tháng 4, lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch ghi nhận sự tăng trưởng cao; lĩnh vực công nghiệp và xuất nhập khẩu cũng ghi nhận sự tăng trưởng về xuất nhập khẩu nhưng chủ yếu mang tính tạm thời. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp và nhà đầu tư tranh thủ xuất khẩu để hưởng lợi từ chính sách thuế ưu đãi trong vòng 90 ngày đàm phán thuế đối ứng của Mỹ.
“Chính vì vậy, không thể dựa vào sự tăng trưởng này như một dấu hiệu phục hồi bền vững của ngành công nghiệp. Chúng ta cần chú ý hơn đến lĩnh vực nhập khẩu vì đang có xu hướng giảm ở nhiều thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Nguyên nhân chính là do các đơn hàng mới không mở rộng, cùng với quá trình tái cấu trúc thị trường”, ông Vũ cho biết.
Về giải ngân, môi trường kinh doanh và đầu tư hiện có hai vấn đề lớn cần tập trung. Đó là giải ngân các dự án thi công và cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, cần tiếp tục phân tích sâu về các doanh nghiệp giải thể, thành lập mới, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ và khoa học công nghệ, nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh phát triển của TP. Trong tháng 4 đã có đề án và nghị quyết của HĐND về mở rộng TP nhằm tạo cơ hội phát triển trong tương lai. Điều này đòi hỏi rõ ràng về chiến lược kinh tế và quy hoạch để đảm bảo tính khả thi.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nhất là cuộc đàm phán về thuế quan sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của TP vào tháng 6. Nếu mức thuế tăng từ 10% trở lên, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Các nhận định về đàm phán có thể theo nhiều hướng, song chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM.
“Trước tình hình này, chúng ta cần duy trì sự linh hoạt trong đánh giá tình hình, đồng thời tập trung vào các giải pháp dài hạn để tạo ra động lực ổn định và bền vững cho sự phát triển của TP trong thời gian tới”, ông Vũ nhấn mạnh.
Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho hay, việc sắp xếp bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được TP làm rất khẩn trương trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Việc sắp xếp phường, xã được thực hiện bài bản vì đây là một trong những yếu tố tác động đến công tác điều hành chung và chỉ tiêu phát triển của TP.
Ông Hoan lưu ý, khẩn trương rà soát lại các quy định phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương, TP, địa phương, nhằm chuẩn bị ban hành quyết định mới, nhất là khi TP.HCM đang triển khai các đơn vị hành chính mới. Việc xác lập rõ vai trò, quyền hạn giữa các cấp chính quyền được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc, góp phần cải thiện hiệu quả điều hành.
Trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công và tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư tư nhân. Trong đó, phát huy vai trò của từng cán bộ, công chức; tăng cường người có chuyên môn nghiệp vụ, có trách nhiệm.
“TP.HCM đang thực hiện nhiều dự án lớn nhưng lực lượng chưa đáp ứng nên có tình trạng quá tải. Vì vậy, cần tính toán để mỗi chuyên viên phụ trách một dự án và đeo bám tới cùng; đặt chỉ tiêu cụ thể làm căn cứ thưởng phạt xứng đáng. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu của các ban quản lý dự án, địa phương, thủ trưởng sở, ngành. Nếu dự án làm nhanh, kết thúc sớm, chi phí thấp hơn thì trích trong 2% chi phí quản lý dự án để khen thưởng cho đơn vị thi công, đơn vị quản lý dự án, cán bộ, công chức thực hiện. Nếu làm lợi 10 tỉ đồng, bỏ ra 1 tỉ đồng để khen thưởng sẽ không mất gì mà dự án xong sớm, đời sống người dân được ổn định sớm và thu hút đầu tư”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng đề nghị các cơ quan tập trung đẩy mạnh những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết dứt điểm các dự án chống ngập; thúc đẩy các dự án trọng điểm.
Song song đó cũng phải đẩy mạnh mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính, thành lập các tổ kiểm tra đột xuất tại các cơ quan để giám sát tiến độ cải cách. UBND quận/ huyện, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Ban quản lý các khu công nghệ cao là những nơi sẽ được kiểm tra trực tiếp để đánh giá tính thực thi.
Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, ông Hoan yêu cầu cụ thể hóa nghị quyết về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bảo đảm phân bổ ít nhất 3% ngân sách chi cho lĩnh vực này, theo đúng định hướng phát triển của Trung ương.
Đối với Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan được giao xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để triển khai hiệu quả nghị quyết, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.
Hậu Giang
Bình luận (0)