Sau cơn mưa giông chiều 23-4 kèm theo gió giật, sấm sét ở một số địa bàn quận huyện làm cho cây ngã đổ và ngập cục bộ gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong dịp nghỉ lễ 30-4, thời tiết vùng Đông Nam bộ tiếp tục có mưa rào rải rác và có nơi có giông.
Cơn mưa giông chiều 23-4 làm cho cây xanh bật gốc trên đường số 2 (phường 11, quận Gò Vấp) |
Riêng TP.HCM, dự báo thời tiết trong 10 ngày tới đều có mưa, nên người dân cần đề phòng gió giật trong cơn giông.
Mưa giông hoành hành
Theo phản ánh của người dân, cơn mưa giông vào chiều 23-4 khiến nhiều địa bàn quận huyện ở TP.HCM xảy ra mưa lớn hoặc mưa rào. Trong đó, một số nơi như Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn… có mưa giông kèm sấm sét làm ngã đổ cây xanh, ngập nước. Cụ thể, ngay đầu đường số 2 (phường 11, quận Gò Vấp), cơn mưa giông với cường độ gió giật mạnh đã khiến một cây cổ thụ bị bật gốc, chắn ngang hết lòng đường lộ giới 16 mét, bít lối đi lại của người dân. Theo lời kể của chị Trần Lữ Thanh Hương (giáo viên Trường Mầm non Bé Ngôi Sao), vụ cây đổ xảy ra ở gần trường nơi chị công tác, nhưng vì không biết nên khi đi về ngang qua chỗ cây đổ phải chọn hướng lưu thông khác, do lực lượng chức năng vẫn chưa dọn dẹp xong hiện trường. Cũng mưa trắng trời như ở quận 12, cơn mưa chiều làm cho một số tuyến đường và hẻm tại huyện Hóc Môn ngập nước đến gần nửa bánh xe. Chị Nguyễn Thị Kim Loan (55/7C Nguyễn Ảnh Thủ, ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) cho biết, cơn mưa giông kèm sấm chớp đùng đùng vào lúc hơn 15 giờ đã gây ngập hết con hẻm nhà chị, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Theo chị Loan, mỗi lần mưa lớn người dân không chỉ lo sợ cây xanh ngã đổ, mà tình trạng ngập nước ở cả mặt đường lẫn nhà dân trên các tuyến đường Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Quá, Tô Ký… còn làm cho giao thông tê liệt trên diện rộng. Có lần mưa nước ngập đến hơn nửa chiếc xe gắn máy, chị phải lội nước ra trạm và đón xe buýt để đón con đi học về. Nguyên nhân khiến tình trạng “hễ mưa là ngập” theo chị Loan, một phần là do miệng cống thoát nước bị người dân tuồn rác thải, một phần là do hệ thống cống không được nạo vét thường xuyên.
Đề phòng gió giật trong những ngày tới
Nhằm giúp người dân chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM mỗi ngày đều phát đi bản tin theo dõi và cảnh báo mưa, giông, sét. Trong bản tin sáng 24-4 thông báo chiều tối thành phố có mưa rào và giông rải rác, đêm có mưa rào và giông vài nơi, gió đông cấp 2-3. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Nguyên nhân gây mưa theo giải thích của ban chỉ huy là do sự hình thành các vùng mây đối lưu. Các vùng mây này phát triển ngày càng mạnh nên gây nên hiện tượng mưa rào, mưa giông kèm lốc xoáy và gió giật tại một số khu vực ở TP.HCM cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, An Giang.
Theo bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (được cập nhật lúc 4 giờ sáng ngày 24-4), trong 10 ngày tới (từ ngày 24-4 đến 3-5) trên địa bàn TP.HCM ngày nào cũng sẽ có mưa. Tuy nhiên, từ ngày 24-4 đến 1-5 thì “có lúc có mưa”, còn ngày 2 đến 3-5 sẽ có mưa nhiều, nhiệt độ thấp nhất 25 độ C và cao nhất ở mức 34 độ C. Riêng trong dịp lễ 30-4 sắp tới (từ 28-4 đến 1-5), thời tiết khu vực TP.HCM nói riêng và Đông Nam bộ nói chung sẽ duy trì ở nền nhiệt độ 20-33 độ C, ngày nắng, đêm và chiều tối có mưa rào, có nơi mưa giông, cần đề phòng gió giật trong cơn giông.
Theo khuyến cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, để đảm bảo an toàn trong những ngày mưa giông, người dân cần chủ động cập nhật thông tin qua các bản tin thời tiết để tính toán thời điểm đi lại cho phù hợp. Nhằm đề phòng mưa giông hoặc sấm sét, khi sắp xảy ra giông thì biện pháp tốt nhất là nên về nhà hoặc trở lại công sở. Vì thông thường các tòa nhà, trụ sở làm việc thường được lắp đặt cột thu lôi chống sét. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài khi trời mưa gió, người dân tuyệt đối không nên trú mưa ở dưới tán cây hoặc gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt… Trong trường hợp có sự cố mưa giông, gió giật, lốc xoáy, cây xanh ngã đổ xảy ra, Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh phối hợp với các quận huyện khẩn trương huy động lực lượng và thiết bị để nhanh chóng xử lý sự cố, khẩn trương cứu nạn, cứu hộ cho người và tài sản, sớm giải tỏa hiện trường nhằm tạo đường thông thoáng cho người dân lưu thông thuận lợi và an toàn.
Bích Vân
Bình luận (0)