- 1 TP.HCM đề xuất có đơn vị khảo thí độc lập, chuyên gia ủng hộ
Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất có ngân hàng đề thi của Bộ GD-ĐT hoặc của Sở GD-ĐT xây dựng trên cơ sở xây dựng ma trận đề hoặc sử dụng các đơn vị khảo thí độc lập để tổ chức, đánh giá, kiểm tra giám sát việc thầy cô tổ chức giảng dạy có đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chứ không phải các thầy cô đánh giá được nhiều giáo viên và chuyên gia ủng hộ.

Đề xuất được ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh đầu cấp và đánh giá thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT được Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây.
Nên suy nghĩ đến
Phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 nêu, một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đang áp dụng hình thức sử dụng đơn vị khảo thí chất lượng giáo dục độc lập cho các trường phổ thông. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm ra đề kiểm tra định kỳ cho các cơ sở giáo dục để đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh. Giáo viên, nhà trường sẽ không can dự vào phương thức đánh giá này.
“Nếu có đơn vị khảo thí chất lượng giáo dục độc lập để thực hiện việc kiểm tra đánh giá thì việc đánh giá kết quả học tập của học sinh giữa các nhà trường, địa phương trên địa bàn thành phố sẽ có sự đồng đều bởi vì cùng chung 1 thước đo độc lập. Lúc này chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng kết quả học tập của học sinh để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT, cũng như giúp mỗi nhà trường, địa phương đánh giá được chất lượng giáo dục của nhà trường từ đó có sự điều chỉnh. Điều này cũng phù hợp với đổi mới giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 hiện nay đang hướng tới mục tiêu đánh giá năng lực học sinh” – vị này phân tích.
Từ đó, phó hiệu trưởng này cho rằng đề xuất có đơn vị khảo thí đánh giá độc lập là cần thiết, về lâu dài Bộ GD-ĐT nên tính đến. Bởi khi có đơn vị khảo thí độc lập sẽ thay đổi công tác kiểm tra, đánh giá hiện nay, từ đó giảm áp lực học tập cho học sinh, đồng bộ với việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT hiện nay.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhìn nhận, đánh giá độc lập qua đơn vị khảo thí độc lập là hình thức đánh giá đang được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới lựa chọn, nhằm tạo công bằng trong đánh giá học sinh cũng như phù hợp với việc giảng dạy. Giáo viên chỉ việc tổ chức giảng dạy, còn kiểm tra đánh giá sẽ có đơn vị độc lập, vì thế giáo viên sẽ không vì lý do quen học sinh này, học sinh kia mà nâng đỡ…

“Các nghiên cứu, đánh giá để thay đổi về phát triển giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục, đánh giá giáo dục trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiện nay là hết sức cần thiết, tạo bản lề quan trọng…” – GS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu.
“Cái thiếu hiện nay là đơn vị khảo thí độc lập”
Giai đoạn 2009-2011, TP.HCM sử dụng thí điểm xét tuyển vào lớp 10 ở một số trường THPT ngoại thành bằng kết quả học tập của học sinh 4 năm THCS để xét tuyển vào lớp 10, ngay sau đó đã phải lập tức quay trở lại hình thức thi tuyển cũ vì các trường được thí điểm kêu than về chất lượng đầu vào khi có sự chênh lệch trong đánh giá học bạ của học sinh. Đến nay, hơn 10 năm đã trôi qua, giáo dục đang chuyển hướng dạy học theo năng lực nhưng kết quả học tập của học sinh tại các nhà trường vẫn chưa thể nào được tin tưởng để sử dụng làm thước đo chất lượng. Ngay trong công tác kiểm tra cuối học kỳ ở bậc trung học, nhiều quận huyện tại TP.HCM vẫn chưa dám trao quyền cho các cơ sở giáo dục để đánh giá học sinh.
Lý giải về thực trạng này, phó trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven thừa nhận, dạy học theo năng lực, cá thể hóa song hiện nay thực tế đánh giá vẫn phải “cào bằng”, “đổ đồng” vì nếu trao toàn quyền cho từng đơn vị thì kết quả đánh giá sẽ thiên lệch, còn “nặng, nhẹ” khác nhau, tạo ra sự không công bằng trong kết quả đánh giá học sinh.
Ông cho rằng, lỗ hổng rất lớn về kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông hiện nay khiến chúng ta chưa thể nào dám mạnh dạn sử dụng chính kết quả đánh giá ở các nhà trường để so với nhau, ngay trong việc xét tuyển vào lớp 10.
“Cái chúng ta thiếu là một đơn vị khảo thí chất lượng giáo dục phổ thông một cách độc lập, nôm na là “người ngoài”, để có thể sử dụng chính kết quả đánh giá đó làm thước đo giữa các đơn vị mà không lấn cấn. Nếu có đơn vị khảo thí độc lập sẽ thay đổi toàn bộ việc giảng dạy, kiểm tra đánh giá, phù hợp với đổi mới giáo dục” – ông đề xuất.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Anh Đức, hình thức đánh giá độc lập đã được các trường phổ thông quốc tế, song ngữ thực hiện từ rất lâu thông qua việc tự tìm đến cơ quan đánh giá ngoài, tổ chức kiểm định độc lập. Đây được xem là yếu tố sống còn, để tự cải tiến chất lượng của đơn vị. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục quốc tế cũng áp dụng xu hướng khác để kiểm chứng hoạt động chương trình nhà trường, đó là nhà trường lựa chọn ký kết hợp tác với trường học/đối tác của nước ngoài. Trong quá trình hợp tác, đối tác sẽ tự tiến hành các công tác kiểm định nhà trường, mặc dù chỉ mang tính nội bộ.
Ông cho rằng, hiện nay với giáo dục công của Việt Nam cần một đơn vị khảo thí và kiểm tra độc lập. Đơn vị này sẽ giải quyết câu chuyện học sinh chuyển cấp từ bậc THCS lên bậc THPT qua tuyển sinh vào lớp 10, hoàn toàn phù hợp với thực hiện Chương trình GDPT 2018.
“Chương trình GDPT 2018 đề cao việc đánh giá quá trình học tập của học sinh, ghi nhận sự tiến bộ của các em. Vì thế, không thể chỉ dựa vào kết quả của 1 kỳ thi mà phản ánh hết năng lực học sinh. Như vậy lại quay về việc đánh giá quá trình học tập của học sinh, làm sao phải tạo ra sự đồng nhất trong đánh giá học sinh giữa các đơn vị trường học trong cùng một tỉnh thành, địa phương. Điều này đòi hỏi sự điều tiết của sở giáo dục, phòng giáo dục, mang đến sự khách quan nhất trong sử dụng kết quả học tập của học sinh. Và như vậy về lâu dài, để khách quan nhất thì vẫn cần phải có một đơn vị đánh giá, khảo thí độc lập” – ông nhấn mạnh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)