Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Đề xuất giao NXB ủy quyền in ấn phát hành tài liệu Giáo dục địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

Từ 3 phương án đề xuất in ấn tài liệu giáo dục địa phương các cấp học sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM ủy quyền cho NXB Giáo Dục tại TP.HCM (đơn vị thành viên của NXB Giáo Dục Việt Nam) được tổ chức in ấn và phát hành cho học sinh cấp tiểu học. Trên cơ sở được ủy quyền, NXB Giáo Dục tại TP.HCM có trách nhiệm lựa chọn các đơn vị thành viên có năng lực, kinh nghiệm và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành để tiến hành xuất bản, in ấn, phát hành tài liệu với đơn giá thấp nhất.


Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất uỷ quyền NXB in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương. Trong hình: Học sinh Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) trong một hoạt động về giáo dục địa phương

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp và Sở Tài chính về đề xuất các phương án chuẩn bị việc thực hiện in ấn tài liệu giáo dục địa phương các cấp học trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở GD-ĐT TP HCM đề xuất 3 phương án, gồm:

Phương án 1: Đề xuất phương án đấu thầu công khai để lựa chọn nhà xuất bản (NXB) đủ năng lực tổ chức in ấn, tài liệu giáo dục địa phương các cấp học theo hình thức tạm ứng vốn in ấn tài liệu và phát hành tài liệu để thu hồi vốn. Theo quy định của Luật đấu thầu, sở đề nghị UBND TP.HCM cho phép thuê đơn vị tư vấn đấu thầu trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn NXB có kinh nghiệm tổ chức in ấn tài liệu theo hình thức tạm ứng vốn in ấn tài liệu và phát hành tài liệu để thu hồi vốn. Nguồn kinh phí thuê tư vấn từ ngân sách chi thường xuyên của ngành GD-ĐT. Nguồn kinh phí in ấn, phát hành sẽ do đơn vị tự ứng vốn tổ chức thực hiện in ấn và phát hành để thu hồi vốn. Với phương án này, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, việc chọn một NXB có khả năng ứng vốn để tiến hành xuất bản, đảm bảo đơn giá phù hợp và thời gian thực hiện cho toàn bộ giai đoạn theo lộ trình phát hành tài liệu giáo dục địa phương cho tất cả các khối lớp là một bài toán khó để đảm bảo đồng thời 2 tiêu chí trên.

Phương án 2: Sở GD-ĐT đề xuất UBND TP.HCM ủy quyền “Tài liệu giáo dục địa phương TP.HCM lớp 1” đã được phê duyệt và tài liệu của các bậc học các năm học tiếp theo lộ trình cho NXB Giáo Dục tại TP.HCM (đơn vị thành viên của NXB Giáo Dục Việt Nam) được tổ chức in ấn và phát hành cho học sinh cấp tiểu học. Trên cơ sở được ủy quyền, NXB Giáo Dục tại TP.HCM có trách nhiệm lựa chọn các đơn vị thành viên có năng lực, kinh nghiệm và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành để tiến hành xuất bản, in ấn, phát hành tài liệu với đơn giá thấp nhất. Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá đây là phương án phù hợp và khả thi.

Phương án 3: Đấu thầu công khai lựa chọn NXB in ấn toàn bộ tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học và đồng thời phát hành miễn phí làm tài liệu tham khảo cho học sinh các cấp học công lập và ngoài công lập từ ngân sách chi thường xuyên của TP. Nếu đơn giá dự kiến là 10.000 đồng/tài liệu, đến năm học 2024-2025, số học sinh các cấp lớp thực hiện thay sách là gần 1,5 triệu học sinh thì tổng dự toán kinh phí trên 37 tỉ đồng. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, phương án này không khả thi vì cần phải bố trí ngân sách một khoản kinh phí lớn để in ấn và phát hành tài liệu.

Trên cơ sơ các phân tích trên, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất chọn phương án 2 để triển khai thực hiện việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương của các cấp học trong năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo.

Tài liệu giáo dục địa phương là một nội dung bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Tài liệu do UBND các địa phương thẩm định về mặt nội dung và trình Bộ GD-ĐT phê duyệt ban hành. Tại TP.HCM, tài liệu đã được Sở GD-ĐT TP nghiên cứu, xây dựng ở bậc lớp 1 trong năm học 2020-2021 dựa trên các đặc thù văn hoá, lịch sử của TP, đang được các các cơ sở giáo dục sử dụng tham khảo.

Tin, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)