Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP HCM: Đề xuất người dân trả tiền khi tra cứu dữ liệu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Dữ liệu là tài sản mà nếu khai thác càng nhiều càng hiệu quả, còn đóng là dữ liệu chết. Chính vì vậy, dữ liệu rất cần tương tác, tức tác động, sự khai thác của người dân và doanh nghiệp.
Chiều 15-4, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi.
TP HCM: Đề xuất người dân trả tiền khi tra cứu dữ liệu - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc gặp chiều 15-4

Nhiều gợi mở đắt giá của các đại biểu đã được chuyển đến lãnh đạo thành phố.
"Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn TP đang chờ đợi một sự hiệu triệu, một cuộc cách mạng thật sự trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn" – Chủ tịch Hội tin học TP HCM Lâm Nguyễn Hải Long nêu ý kiến.
Theo ông, TP cần xem chuyển đổi số như là một mệnh lệnh theo kiểu "vươn lên mạnh mẽ hay sụp đổ". Từ đó xây dựng khung pháp lý và cơ chế thí điểm để các thành phần ngoài công lập tham gia khai thác hệ thống dữ liệu cùng với cơ quan quản lý nhà nước. Người dân, doanh nghiệp có thể trả tiền để được truy cập dữ liệu theo nhu cầu thông qua cơ chế chia sẻ nguồn thu.
"Dữ liệu là tài sản mà nếu khai thác càng nhiều càng hiệu quả, còn đóng là dữ liệu chết. Chính vì vậy, dữ liệu rất cần tương tác, tức tác động, sự khai thác của người dân và doanh nghiệp" – ông Lâm Nguyễn Hải Long nêu quan điểm. 
Đồng tình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Ngô Diên Hy cho rằng hệ thống thông tin đất đai đang triển khai riêng lẻ, cần được tổng hợp, kiểm kê đầy đủ để trở thành nguồn dữ liệu chung. Khi đó, đây sẽ là nguồn dữ liệu mở vô cùng quý giá. Thành phố có thể liên thông nhiều lĩnh vực với nhau từ đầu tư công, thuế, công chứng đến ngân hàng…
Thực tế, các nước xung quanh đã dùng dữ liệu đất đai để cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn thu khi người dân và doanh nghiệp tra cứu trên mạng, điển hình là Singapore.
Trong khi đó, ông Mai Hoài An, Phó Chủ tịch liên minh doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đề nghị thành phố hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với các thông tin về chuyển đổi số, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư ra các tỉnh khác và nước ngoài.
Trước đề xuất của doanh nghiệp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết thành phố sẽ phát triển dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu khi cần. 
Tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, chuyên gia, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định chuyển đổi số phải là cuộc cách mạng, tạo ra sự phát triển vượt bậc, đột phá cho thành phố và cả nước.
Riêng về dữ liệu, ông cho biết Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu chiến lược dữ liệu và đề nghị tiếp cận ở góc độ khai thác được kinh tế dữ liệu, an ninh…
"Phải đưa thành phố về đúng vị trí, không phải so sánh với 62 tỉnh, thành còn lại mà với các thành phố lớn của khu vực và thế giới. Với khát khao như thế, nhiệm vụ to lớn như thế, tôi cho rằng đây là sứ mệnh vinh quang" – ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Từ đó, ông đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia trở thành "đồng tác giả" đóng góp cho sự phát triển của thành phố thời gian tới.

THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)