Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM đề xuất tăng học phí từ năm học 2022-2023

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất tăng học phí cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Trong đó, tăng ở mức sàn – mức thấp nhất trong năm học 2022-2023.


TP.HCM đề xuất tăng học phí từ năm học 2022-2023

Ngày 21-4, Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có đề xuất gửi UBND TP về chủ trương ban hành quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP.HCM theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, để có cơ sở tiếp tục triển khai mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP kịp thời trong năm học 2022-2023 và các năm học tiêp theo cần thiết phải xây dựng Nghị định về khung mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trên địa bàn TP.HCM năm học 2022-2023 và từ năm học 2023-2024 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Sở GD-ĐT đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương thực hiện mức thu học phí từ năm học 2022-2023 cụ thể như sau:

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, Sở GD-ĐT đề xuất áp dụng mức sàn học phí năm học 2022-2023 bằng mức sàn học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 ngàn đồng/học sinh/tháng.

Từ năm học 2023-2024, sẽ căn cứ thực hiện theo khoản 3 Điều 9 của Nghị định.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Quy định mức học phí từ năm học 2022-2023 sẽ áp dụng thực hiện theo quy định tại điểm b, c, khoản 2 Điều 9 của Nghị định.

Sở GD-ĐT cũng đề xuất mức thu học phí từ năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên bằng mức sàn mức thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 ngàn đồng/học sinh/tháng, căn cứ theo điểm a, khoản 2, Điều 9 Nghị định. Đề xuất này sẽ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Về thời gian áp dụng đề xuất, Sở GD-ĐT kiến nghị bắt đầu từ quý 2/2022.

Sở GD-ĐT đánh giá, đề xuất tăng học phí trong bối cảnh hiện tại là vấn đề hết sức nhạy cảm vì hiện nay dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát, kinh tế thành phố dang từng bước ổn định, phát triển tuy nhiên đời sống kinh tế của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên việc đề xuất. Mức học phí năm học 2022-2023 đề xuất là căn cứ trên mức sàn – mức thấp nhất, dù đúng quy định song so với năm học 2021-2022 và các năm học trước là có tăng.

Sở GD-ĐT nhận định, khung học phí đang đề xuất là phù hợp với điều kiện thực tế. Việc điều chỉnh mức thu học phí hợp lý cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục, từ đó cùng với ngân sách nhà nước sẽ góp phần nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh, đồng thời tạo nguồn điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở những nơi còn nhiều khó khăn, thực hiện tốt tính công bằng trong giáo dục.

Trong điều kiện còn hạn hẹp về tài chính, học phí là nguồn bổ sung tài chính quan trọng, thể hiện sự chia sẻ chi phí giữ nhà nước, xã hội và người học, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục…

Để việc tăng học phí không ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận người dân có thu nhập thấp, Sở GD-ĐT khẳng định TP.HCM khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thuộc các diện chính sách được đi học, đồng thời sẽ luôn đi đầu trong các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo đúng quy định, xây dựng các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ khác đặc thù khác của thành phố góp phần ổn định tình hình đi học…

Yến Hoa

Bình luận (0)