Sở GTVT TP.HCM cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, đồng thời đề xuất thí điểm nhiều tuyến xe buýt mini nhằm thu hút hành khách ở các tuyến hẻm nhỏ. Đây là động thái góp phần nâng cao sản lượng hành khách đi xe buýt trên địa bàn đặc thù với nhiều tuyến hẻm nhỏ như TP.HCM.
Trên đường Điện Biên Phủ, làn đường ưu tiên cho xe buýt dự kiến sẽ được bố trí từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến cầu Sài Gòn |
Ưu tiên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu
Theo đề án được nghiên cứu bởi Sở GTVT TP.HCM và Khoa Công trình giao thông (Trường Đại học GTVT TP), hai tuyến đường được đề xuất tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt là đường Võ Thị Sáu (địa bàn quận 1, quận 3) và Điện Biên Phủ (quận 1, quận 3, Bình Thạnh). Cụ thể, trên tuyến đường Điện Biên Phủ, làn đường ưu tiên xe buýt sẽ được bố trí từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến cầu Sài Gòn. Tương tự, ở đường Võ Thị Sáu xe buýt sẽ lưu thông trên làn đường ưu tiên từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ. Thời gian xe buýt được phép lưu thông trên làn đường ưu tiên được quy định từ 6 giờ 30 – 8 giờ 30 và từ 16 giờ 30 – 18 giờ 30 trong các ngày từ thứ hai đến thứ sáu.
Được biết, các đơn vị đã đề ra 3 phương án tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, và đang bàn bạc để lựa chọn phương án phù hợp nhất. Theo đó, ở phương án 1, làn đường ưu tiên xe buýt (chiều rộng 3,25 mét) được bố trí sát vỉa hè bên phải, và được ngăn cách với hai làn đường còn lại (dành cho ô tô và xe máy) bởi rào chắn cứng. Ở phương án 2, làn đường ưu tiên cho xe buýt được bố trí ở làn giữa, còn làn đường sát vỉa hè bên phải (rộng 4,5 mét) dành cho ô tô và xe máy đi thẳng và rẽ phải, làn đường sát vỉa hè trái (rộng 4,25 mét) sẽ dành cho xe ô tô và xe máy đi thẳng và rẽ trái. Nếu phương án 1 và 2 áp dụng chung cho cả hai tuyến đường, thì phương án 3 chỉ áp dụng riêng cho đường Điện Biên Phủ. Ở phương án này, hai làn ưu tiên cho xe buýt sẽ được bố trí song song kế nhau (rộng 6,5 mét) về hướng vỉa hè bên phải, và làn đường phía vỉa hè trái (rộng 5,5 mét) sẽ dành cho tất cả các phương tiện còn lại.
Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam nhận định, phương tiện xe buýt mini nhỏ gọn không chỉ phát huy hiệu quả trong việc thu hút người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng, mà còn góp phần kiểm soát tình hình sử dụng xe mô tô cá nhân trên địa bàn thành phố. |
Bên cạnh đề án trên, Sở GTVT TP cũng vừa đưa ra đề xuất tổ chức làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt lưu thông trong khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm góp phần làm giảm mật độ phương tiện cá nhân lưu thông trong khu vực cảng hàng không. Đề xuất này xuất phát từ tình hình thực tế là sân bay chỉ có một duy nhất lối ra vào, trong khi lượng hành khách thông hành qua cảng hàng không này ngày càng tăng cao. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, lượng hành khách lưu hành qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tăng hơn 7 triệu người so với thiết kế.
Đề xuất thí điểm 30 tuyến xe buýt mini
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, trong tuần này đơn vị sẽ trình lên Sở GTVT TP để lấy ý kiến về Đề án thí điểm xe buýt mini (xe buýt cỡ nhỏ) trên địa bàn thành phố. Giám đốc trung tâm là ông Trần Chí Trung cho biết, theo một kết quả khảo sát cho thấy có đến 85% người dân thành phố cư ngụ trong các tuyến hẻm lớn nhỏ. Mật độ sinh sống dày đặc này cùng với thói quen di chuyển bằng xe máy cá nhân, đặc biệt là địa điểm các nhà chờ xe buýt không thuận tiện khiến cho xe buýt rất khó thu hút người dân cư ngụ trong các tuyến hẻm tham gia.
Do đó, nhằm khuyến khích “lượng hành khách hùng hậu” này tham gia phương tiện giao thông công cộng của thành phố, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã đề xuất xây dựng 30 tuyến buýt mini, có khả năng di chuyển đón khách tại các tuyến hẻm rộng từ 4 mét đến 6 mét. Theo kế hoạch, 30 tuyến xe buýt này sẽ được đầu tư 350 phương tiện (loại 12 chỗ) để trung chuyển khách từ các tuyến hẻm đến các tuyến xe buýt chính (trong bán kính không quá 200 mét). Ông Trung cho biết thêm, xe buýt mini sẽ được thiết kế một cách đặc biệt nhằm tạo thương hiệu riêng cho TP.HCM, “tựa như khi đến Thái Lan thì có xe tuk tuk quen thuộc”. Được biết, nếu được phê duyệt, xe buýt mini dự kiến sẽ được triển khai thí điểm vào năm 2019, trên các địa bàn quận 1, quận 10 và quận Tân Bình. Với mô hình này, cơ quan chức năng kỳ vọng xe buýt mini không chỉ phục vụ nhu cầu người dân sinh sống trong các tuyến hẻm, mà còn là phương tiện hỗ trợ trong việc đưa đón học sinh và là đầu mối trung chuyển khách tới các tuyến metro trong thời gian sắp tới.
Đinh Vũ
Bình luận (0)