Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóa

TP.HCM: Dịch sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng mạnh, sởi vẫn diễn biến phức tạp

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM: Dịch sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng mạnh, sởi vẫn diễn biến phức tạp - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 TP.HCM: Dịch sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng mạnh, sởi vẫn diễn biến phức tạp Audio

Ngày 5-3, theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong khoảng thời gian từ ngày 24-2 đến 2-3-2025, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi trên địa bàn TP có nhiều biến động. Trong khi số ca sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm, bệnh tay chân miệng lại tăng đáng kể, còn dịch sởi vẫn tiếp tục lan rộng.

Trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 335 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 22,4% so với mức trung bình của bốn tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay, tổng số ca sốt xuất huyết trên toàn TP đã lên đến 4.213 ca. Những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, tính trên 100.000 dân, bao gồm huyện Cần Giờ, quận 7 và TP.Thủ Đức.

Danh sách các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao nhất gồm quận 8, quận 6 và quận Bình Tân

Dù số ca mắc có xu hướng giảm, nhưng các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại nếu không duy trì các biện pháp phòng chống hiệu quả. Người dân cần tiếp tục chủ động diệt lăng quăng, dọn dẹp nơi ở, không để nước đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản.

Ngược lại với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng lại đang có dấu hiệu gia tăng mạnh tại TP.HCM. Trong tuần qua, TP ghi nhận 157 ca mắc mới, tăng 62,3% so với mức trung bình của bốn tuần trước. Tổng số ca tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay đã lên đến 1.098 ca.

Những khu vực có số ca mắc tay chân miệng cao nhất bao gồm quận 8, quận 6 và quận Bình Tân. Đây là những nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều trường học và cơ sở giữ trẻ, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đồ chơi, vật dụng nhiễm virus. Để phòng tránh, phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh đồ chơi và bề mặt tiếp xúc trong nhà. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, nổi bọng nước ở tay, chân hoặc loét miệng, cần đưa đi khám sớm để tránh biến chứng.

Dù số ca mắc sởi trong tuần qua có xu hướng giảm 14,5% so với bốn tuần trước, với 266 ca mới được ghi nhận, nhưng tổng số ca bệnh tích lũy từ đầu năm đến nay đã lên đến 7.319 ca. Số liệu này cho thấy dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM.

Số ca bệnh tay chân miệng trong tuần qua tăng 62,3% so với trung bình 4 tuần trước, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 1.098 ca

Những khu vực có số ca mắc sởi cao nhất trong thời gian qua là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP.Thủ Đức. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến dịch sởi bùng phát là do nhiều trẻ chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan rất nhanh, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là tiêm vắc-xin đầy đủ theo lịch. Phụ huynh cần kiểm tra sổ tiêm chủng của con mình và đảm bảo trẻ được tiêm đúng, đủ mũi vắc-xin phòng bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, HCDC khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Với sốt xuất huyết, phải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Với bệnh tay chân miệng, cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên.

Thủy Phạm

Bình luận (0)