Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra những nơi có thể gây ổ lăng quăng, muỗi – nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh Zika – tại một gia đình ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Mỹ Bình |
Ngày 5-3, tại huyện Bình Chánh, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND TP.HCM phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết”.
Virus Zika có mặt tại 52 quốc gia, lãnh thổ
Virus Zika được phát hiện vào năm 1947 nhưng chỉ có một số trường hợp được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, virus này bùng phát ở Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi.
Do môi trường nơi muỗi phát sinh ngày càng mở rộng, đồng thời tác động của đô thị hóa và toàn cầu hóa, những vụ dịch lớn do virus Zika đang lây lan rất nhanh. Tính đến thời điểm này, dịch bệnh do virus Zika đã được ghi nhận tại 52 lãnh thổ, quốc gia, trong đó có những quốc gia rất gần với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, kết quả rà soát các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2015 không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus Zika. Riêng 83 trường hợp có triệu chứng tương tự bệnh do virus Zika trong 2 tháng đầu năm 2016 tại 8 tỉnh có mật độ lưu hành muỗi Aedes cao ở khu vực phía Nam (Đồng Tháp, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang) không có trường hợp nào dương tính với virus Zika.
Như vậy, tính đến nay, nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định virus này có nguy cơ xâm nhập và lây lan vào Việt Nam cao vì nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch, người lao động trở về từ vùng dịch… Trong đó, “TP.HCM có mật độ dân cư cao, khí hậu nóng, người dân có thói quen sử dụng dụng cụ chứa nước – đây là ổ sinh sản của muỗi… nên TP là điểm nóng nguy cơ virus Zika xâm nhập và bùng phát. Ngoài TP.HCM thì các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ cũng có nguy cơ cao”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế – nhận định.
Không có muỗi, không có virus Zika
Người nhiễm virus Zika thường do muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) bị nhiễm virus này đốt (đây là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Tại Việt Nam, loại muỗi này rất phổ biến, là trung gian lây truyền cũng như gây nên những đợt bùng phát sốt xuất huyết. Ngoài ra, virus này có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra những nơi để vật dụng có thể gây ổ lăng quăng, muỗi tại một hộ gia đình ở huyện Bình Chánh, TP.HCM |
Theo đó, chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia, thực hiện quyết liệt các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng để chống virus này xâm nhập và lây lan. Cụ thể, mỗi người dân, mỗi gia đình hàng ngày hãy dành nửa tiếng đồng hồ để thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng như thả cá vào dụng cụ chứa, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà…
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhắc nhở: “Người dân phải chủ động tìm diệt muỗi, lăng quăng; tổ trưởng tổ dân phố ấp, xã, phường, công an viên cần tăng cường giám sát để nhắc nhở. Nếu người dân tái vi phạm các hành vi để muỗi, lăng quăng phát sinh thì sẽ áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất”.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – khẳng định: “Phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn là mối quan tâm hàng đầu của TP. Vì thế chúng tôi quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết với Bộ Y tế và thực hiện các biện pháp hiệu quả phòng chống virus Zika”. Đồng thời, bà Thu cũng đề nghị các tổ chức chính quyền, đoàn thể, gia đình, doanh nghiệp… cùng chung tay bảo vệ môi trường, tránh để xảy ra dịch bệnh do virus này gây ra. Trong đó, Sở Y tế xây dựng kế hoạch đồng bộ, khả thi phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống vius Zika và bệnh sốt xuất huyết; Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế đưa nội dung phòng chống virus Zika vào chương trình sinh hoạt ở trường học để xây dựng ý thức tự giác cho học sinh, từ đó lan truyền về gia đình…
Dịp này, Bộ Y tế đã ký cam kết với các tỉnh thành khu vực phía Nam và miền Trung Tây Nguyên có số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết cao và ký kết với chủ tịch UBND các quận, huyện TP.HCM để vận động toàn dân tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)