Ngày 15-8, khoảng 1,5 triệu học sinh (HS) TP.HCM sẽ chính thức bước vào năm học mới 2016-2017. Vậy trong năm học mới này, ngành GD-ĐT TP có gì mới…
Ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM trao tặng Cờ thi đua xuất sắc cho đại diện các đơn vị trường học. Ảnh: Q.Huy |
Thi tốt nghiệp THPT có thể 2-3 môn cơ bản
Nội dung quan trọng nhất, đổi mới nhất mà Sở GD-ĐT đề ra cho phương hướng, nhiệm vụ trong năm học 2016-2017 là TP tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, TP.HCM đã đề xuất với Bộ GD-ĐT được thí điểm tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát của Bộ GD-ĐT.
Tăng hơn 59.000 HS Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Năm học 2016-2017, TP.HCM có hơn 1,5 triệu HS, trong đó bậc mầm non có gần 347.000 trẻ, bậc tiểu học có hơn 584.000 HS, bậc THCS có hơn 407.000 HS và bậc THPT có hơn 218.800 HS. Số HS tăng so với cùng kỳ năm học trước là 59.158 HS. Để đảm bảo 100% con em trên địa bàn TP có đủ chỗ học, số phòng học mới sẽ đưa vào sử dụng trong đầu năm học này là 2.029 phòng học. Với số lượng HS như trên, năm học này TP có nhu cầu tuyển dụng toàn ngành GD-ĐT là 4.958 người, trong đó bậc mầm non 1.557 người, tiểu học 1.594 người, THCS 1.286 người, THPT và TT GDTX 402 người, chuyên nghiệp 93 giảng viên và 26 nhân viên. |
Để thực hiện điều này, TP cũng sẽ xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ SGK phù hợp với thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Đồng thời sẽ cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường.
Nói về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP cho hay: “Trước mắt sẽ có hai phương án, một là theo đề thi do Bộ GD-ĐT quy định, hai là TP tự ra đề thi. Nếu TP ra đề thi thì cơ cấu các môn thi có thể gồm 2 môn cơ bản như môn văn, toán hoặc 3 môn là văn, toán, tiếng Anh, môn còn lại sẽ do thí sinh lựa chọn. Đề sẽ được ra theo xu hướng giảm nhẹ, phù hợp với năng lực học tập của HS TP”.
Chú trọng giảng dạy âm nhạc dân tộc và thể thao
Năm học mới này, ngành GD-ĐT TP sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục nghệ thuật, đổi mới mạnh mẽ công tác giảng dạy và học tập các môn nhạc, họa, chú trọng công tác giảng dạy âm nhạc dân tộc trong nhà trường.
Đồng thời, đổi mới công tác giáo dục thể chất, việc giảng dạy môn học thể dục và các hoạt động thể thao trường học, chú trọng phát triển các môn võ dân tộc trong trường học. Đảm bảo mỗi HS sau khi tốt nghiệp THPT phải biết chơi một môn thể thao. Ngoài ra, sẽ chú trọng thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho HS nhằm trang bị kiến thức để các em có thể hòa nhập cộng đồng, tự giải quyết các vấn đề khó khăn gặp phải của bản thân.
100% HS 6 tuổi được học tiếng Anh
Đối với từng bậc học, năm học mới này 100% HS từ 6 tuổi (lớp 1) sẽ được học tiếng Anh, được trang bị đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Theo đó, các trường tiểu học tổ chức cho HS học tiếng Anh theo một trong những loại hình sau: Tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh tích hợp (toán, khoa học và tiếng Anh).
Đối với HS phổ thông, sẽ có 35% HS THCS và 25% HS THPT được học 2 buổi/ngày, 99% số người trong độ tuổi 11 đến 14 tuổi được học THCS, 25% HS phổ thông đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành, 30% HS phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học.
Dương Bình
Thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm nhà giáo Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016-2017 tổ chức cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu ngành GD-ĐT thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới này. Đó là đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND TP về việc thực hiện Nghị quyết 29. Trong đó, ngành GD-ĐT cần nhanh chóng tham mưu Đề án tổng thể phát triển GD-ĐT TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đề án cần mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù của TP nhằm mang lại hiệu quả tích cực. Phải giảm tải nhanh giáo dục phổ thông cho HS, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn – thể – mỹ… Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; phương pháp kiểm tra – đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS; chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp trong HS, SV. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ; chú trọng đổi mới tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại; đề xuất thêm những chương trình, giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp cán bộ, giáo viên ngành giáo dục yên tâm công tác. Nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm đối với nhà giáo theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được, có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực của các nhân tố giỏi, tích cực. Huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới trường lớp; tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường tiên tiến, hiện đại hội nhập khu vực và quốc tế. Tiếp tục phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa của việc gắn kết gia đình – nhà trường – xã hội; giữ mối liên hệ và kết hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị địa phương, với phụ huynh HS thực hiện tốt các chế độ chính sách xã hội trong giáo dục; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiệt thòi được học tập trong môi trường thuận lợi; đáp ứng yêu cầu và quyền lợi học tập của con em nhân dân TP.
|
Bình luận (0)