Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

TP.HCM: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn, “đón đầu” kỳ thi tuyển sinh 10 năm 2025

Tạp Chí Giáo Dục

Năm hc 2024-2025, Chương trình giáo dc ph thông (GDPT) 2018 đưc trin khai tt c các khi lp t tiu hc đến THPT. Đây cũng là năm hc la hc sinh đu tiên thi tuyn sinh lp 10 công lp theo Chương trình GDPT 2018.


Hc sinh lp 9 Trưng THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) trong gi hc môn toán

Trong kế hoạch bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn trong hè này, nhiều trường THCS tại TP.HCM thay đổi cách tiếp cận để “đón đầu” kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2025. So với Chương trình GDPT 2006, Chương trình GDPT 2018 thay đổi từ việc dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực học sinh. Ở bậc THCS, chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2021-2022.

Tại TP.HCM, dạy học phát triển năng lực học sinh đã sớm được triển khai từ năm 2014 ở bậc THCS thông qua việc đổi mới đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ, theo hướng gắn kiến thức với thực tiễn, học sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, với đề thi môn ngữ văn, nhiều năm nay ngành giáo dục TP.HCM đã luôn cho 2 đề ở phần nghị luận văn học, trong đó đề 2 hoàn toàn mở, không phụ thuộc vào bất kỳ một tác phẩm văn học nào học sinh đã học trong chương trình, đòi hỏi học sinh ngoài hiểu biết kiến thức văn học thuần túy thì phải có kỹ năng để lập luận, phân tích vấn đề mà đề bài đặt ra. Còn đề thi môn toán, yếu tố thực tế trong đề thi thể hiện qua những bài toán thực tế, đòi hỏi học sinh không thể rập khuôn theo các dạng bài mà phải có tư duy đọc hiểu, phân tích các vấn đề thực tiễn, từ đó mới áp dụng công thức toán học để giải. Trong khi đó, đề thi môn ngoại ngữ lại chú trọng nhiều vào kỹ năng ngôn ngữ của học sinh chứ không đơn thuần chỉ kiểm tra ngữ pháp thuần túy.

Sau 10 năm đổi mới, từ những khó khăn ở thời điểm ban đầu, đến nay giáo viên các trường THCS đã “quen tay”, việc dạy học hầu như đã không còn dạy theo lối mòn, rập khuôn, thay vào đó giáo viên đã hướng tới sự chủ động nhiều hơn, thói quen “dạy chay, học chay” đã từng bước bị loại bỏ. Năm 2025, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập sẽ được thực hiện theo Chương trình GDPT 2018 – đề thi ra theo hướng phát triển năng lực học sinh. Theo nhiều giáo viên, TP.HCM sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đổi mới đề thi theo Chương trình GDPT 2018 vì trong suốt 10 năm nay, đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập của thành phố đã thể hiện đậm nét theo hướng này. Tuy nhiên, nhìn từ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2024 khi học sinh vẫn “sốc” với đề môn toán theo hướng thực tế, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, đổi mới trên thực tế vẫn còn “vấp” phải nhiều rào cản, vẫn chưa có sự đồng bộ, còn tình trạng giáo viên đổi mới nửa vời trong dạy học…

Từ thực tế đó, ngay trong hè này, nhiều trường THCS chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ để một lần nữa nhìn nhận lại việc dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh tại đơn vị trong quá trình đổi mới theo Chương trình GDPT 2018. Cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) cho biết việc đổi mới dạy học theo Chương trình GDPT 2018 đã được giáo viên nhà trường thực hiện “quen tay” trong nhiều năm nay. Thầy cô đã bám sát theo tinh thần Chương trình GDPT 2018, chủ động trong kế hoạch giáo dục, phương pháp tiếp cận học sinh.

Mặc dù vậy, để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 (năm 2025), cô Hứa Thị Diễm Trâm cho biết nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ trong hè bám sát vào việc dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh; đánh giá lại quá trình đổi mới của đội ngũ, từ đó khắc phục những hạn chế của thầy cô trong từng môn học.

“Cái khó của thầy cô khi đổi mới vẫn là bị ràng buộc bởi thời gian và đâu đó vẫn còn tâm lý lo sợ học sinh không đủ kiến thức. Do vậy, hướng tới đây nhà trường tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, nhà trường tăng cường dự giờ thăm lớp để cả đội ngũ cùng chung tay đổi mới”, cô Hứa Thị Diễm Trâm chia sẻ.

Cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, Q.1) cho hay, khi thực hiện việc thay đổi phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức thuần túy sang dạy học gắn với thực tiễn, nhà trường luôn có sự quan tâm, sâu sát; luôn có sự phân tích để lắng nghe tổ chuyên môn, tìm hiểu nguyên nhân vì sao môn toán học sinh hay gặp khó khăn.

“Thực tế thầy cô cho biết trong Chương trình GDPT 2006, môn toán có phân phối chương trình khá nặng, trên lớp học buộc thầy cô phải đảm bảo dạy kiến thức. Trong khi Chương trình GDPT 2006 còn khá hàn lâm, muốn đưa kiến thức thực tế vào thì thầy cô phải tự co kéo. Việc đưa toán thực tế vào giảng dạy hầu như chỉ có thể đưa vào thời gian dạy buổi 2. Đây cũng là khó khăn với thầy cô khi đổi mới theo hướng vận dụng. Ngoài ra, do kiến thức chương trình hàn lâm và nặng nề nên kỹ năng đọc hiểu của học sinh cũng còn yếu”, cô Trần Thúy An thẳng thắn.

Từ thực tế trên, cô Trần Thúy An cho biết trong tháng 7 này, các tổ chuyên môn nhà trường sẽ cùng ngồi lại để nhìn nhận, đánh giá lại quá trình đổi mới trong thời gian qua, làm sao giúp học sinh có thể vững vàng với đổi mới từ nhà trường đến đổi mới trong đề thi. Với riêng môn toán, chính thầy cô trong tổ chuyên môn nhận thấy cần phải cùng nhau xây dựng chuyên đề, thảo luận, chia sẻ để việc giảng dạy môn toán thực tế mang tính xuyên suốt từng khối lớp, có sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau của từng giáo viên để tạo thành kho bài giảng tốt nhất chứ không chỉ dừng ở kinh nghiệm giảng dạy cá nhân của mỗi thầy cô.

“Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 thì giáo viên phải đầu tư nhiều hơn theo hướng giúp học sinh tiếp cận thực tế tốt nhất. Với chương trình mới cách tiếp cận đã khác, thầy cô và nhà trường được tự chủ nhiều hơn. Và khi chương trình mới phủ khắp các khối lớp thì hơn bao giờ hết thầy cô càng cần phải kiên định với sự đổi mới. Đặc biệt, để học sinh không còn bất ngờ từ việc học thực tế sang việc thi cử thực tế thì phụ huynh cần phải đồng hành, thay đổi tư duy theo hướng không phải là cho con đi học thêm nhồi nhét kiến thức”, cô Trần Thúy An nhìn nhận.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)