Tại kỳ họp lần thứ 17 của HĐND TP.HCM, HĐND đã thông qua nghị quyết sửa đổi và bổ sung Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND về Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các chính sách giảm nghèo tại TP.
Quang cảnh kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 17
Theo nghị quyết mới, các điều chỉnh chủ yếu tập trung vào việc cải tiến tiêu chí đo lường nghèo đa chiều.
Theo đó, hộ nghèo được xác định là những hộ có thu nhập bình quân 46 triệu đồng/năm và thiếu hụt từ ba chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế; giáo dục; việc làm – bảo hiểm xã hội; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (13 chỉ số), gồm: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Ngoài ra, nghị quyết cũng đề ra các biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai hiệu quả, bao gồm sự tham gia chặt chẽ của các cơ quan chức năng và việc giám sát quá trình thực hiện từ Thường trực HĐND TP.HCM và các ban, tổ đại biểu.
Nghị quyết đã được thông qua một cách thống nhất và có hiệu lực từ ngày 1-10-2024. Đây được coi là bước tiến quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người dân thành phố, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Thủy Phạm
Bình luận (0)