Dây chuyền sản xuất trứng sạch ở các tỉnh ĐBSCL được tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở TP.HCM. Ảnh: Q.Huy |
Ngày 22-3, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm chương trình Hợp tác thương mại giữa TP.HCM với các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ 2011-2015. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định: “Ký kết hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ là tiền đề để các địa phương hỗ trợ nhau điều hành cân đối thị trường hàng hóa…”.
Điều tiết giá cả và bình ổn thị trường
Thông qua chương trình này, các địa phương đã được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp TP.HCM an tâm liên kết đầu tư phát triển kinh doanh sản xuất. Qua đó đã kiểm soát được chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chi cục quản lý thị trường các địa phương, góp phần ổn định thị trường cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – khẳng định: Chương trình đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, lan tỏa sâu rộng, kết nối cung cầu giữa các địa phương và khu vực. Đồng thời trở thành nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP.HCM với nhiều nhà cung cấp có uy tín, có nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của hợp tác xã… tạo điều kiện để TP.HCM trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm các tỉnh thành miền Đông – Tây Nam bộ, đa dạng ngành hàng, mặt hàng mở rộng thị trường và tiến tới xuất khẩu.
Ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc DNTN Tứ Sơn (An Giang) phát biểu tại hội nghị |
Tuy vậy, ông Kiên cũng thừa nhận: Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất – phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn mẫu mã bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng an toàn sản phẩm để tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại.
Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, hoạt động kết nối cung cầu triển khai từ năm 2012 đến nay đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương. Giao thương hai chiều đạt doanh thu 22.132 tỷ đồng (doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường 13.498 tỷ đồng), trong đó doanh nghiệp thành phố tiêu thụ hàng hóa trị giá 15.498 tỷ đồng của các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá 6.634 tỷ đồng. |
Để khắc phục những hạn chế này, trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công thương TP.HCM sẽ mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có năng lực, uy tín tham gia. Phối hợp với các sở ngành tổ chức chương trình đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP… Đặc biệt, xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền. Ngoài ra, sẽ phối hợp với chi cục quản lý thị trường 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam hỗ trợ thông tin, kiểm tra xác minh, thu thập chứng cứ phục vụ cho công tác xử lý vi phạm, tăng cường kiểm soát tại nguồn.
Cần ngân hàng hỗ trợ về lãi suất
Ông Trần Ngọc Trung – Giám đốc Công ty Vinh Phát – cho rằng: Cần quy hoạch vùng nuôi trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Thực trạng xâm nhập mặn như hiện nay ảnh hưởng đến sản lượng nông sản và dự trữ lương thực, vì vậy cần có sự hỗ trợ từ ngân hàng về lãi suất.
Ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc DNTN Tứ Sơn (An Giang) – cho biết: “Thời gian đầu Tứ Sơn cũng không mấy mặn mà với chương trình này nhưng đến nay doanh nghiệp đã thật sự thấy được hiệu quả của nó nên mạnh dạn tham gia chương trình”. Cũng như ông Trung, ông Sơn mong muốn được hỗ trợ về lãi suất…
“Trong 5 năm tới, chương trình đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm thương mại, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tạo điều kiện doanh nghiệp Đồng Tháp giới thiệu hàng hóa”, ông Phan Kim Sa – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp – đề xuất.
Bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương – cho rằng: Trong thời điểm hội nhập quốc tế, hợp tác thương mại giữa TP.HCM với các tỉnh, thành và khu vực cần có sản phẩm cạnh tranh. Đồng thời, phát triển điểm bán hàng Việt và làm tốt công tác tuyên truyền, định vị sản phẩm. Trong đó, chú trọng tạo chuyển biến nhận thức người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng hóa trong nước.
Ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UNBD TP.HCM – chỉ đạo: “Sở Công thương TP.HCM cần chú trọng đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, hướng đến chuỗi cung ứng hàng hóa tối ưu, ưu tiên sản phẩm nông sản. Đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển hệ thống phân phối và nguồn nguyên liệu; phối hợp kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại…”.
Bài, ảnh: Tuy An
Bình luận (0)