Công tác chấm thi tuyển sinh 10 TP.HCM năm 2025 đã bước sang ngày thứ 4. Dự kiến trong sáng thứ hai công tác chấm sẽ hoàn thành, bước vào giai đoạn so dò lên điểm.
Các giám khảo cho biết, kết quả bài làm của học sinh năm nay khá khả quan khi phổ điểm các môn đều cao hơn năm ngoái. Riêng môn toán, điểm dưới trung bình chỉ khoảng 30%.
Môn ngữ văn: Đã xuất hiện bài làm 9 điểm, thấp nhất 2,5 điểm
Ở môn ngữ văn, theo các giám khảo, công tác chấm cũng đã bước sang vòng 2, bắt đầu thống nhất điểm giữa 2 giám khảo. Công tác chấm dự kiến hoàn thành sáng thứ hai.
Các giám khảo cho biết, phổ điểm năm nay dao động từ 6-7 điểm. Đã xuất hiện bài làm đạt điểm 9 và điểm thấp nhất là 2,5 điểm.
Với yêu cầu của đề thi năm nay đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức ngữ văn. Đồng thời phải đọc đề, hiểu đề, phân tích đề thật kỹ, xác định vấn đề bàn luận đầy đủ để đi đúng trọng tâm đề bài yêu cầu.
Theo nhiều giám khảo, đề thi đã bám sát theo hướng đánh giá của Chương trình GDPT 2018, do vậy có tính phân hóa tốt thể hiện qua bài làm của học sinh.
Ví dụ, trong câu nghị luận xã hội 4 điểm, để làm được học sinh cần trình bày rõ ý kiến về vấn đề “biết đọc, biết nhận ra những giá trị tốt đẹp (sự thật, tình yêu thương, điều ngay lẽ phải…) đang bị che lấp là một biểu hiện của sự trưởng thành”. Song, đa số học sinh chỉ đáp ứng được 1 đến 2 phần của yêu cầu đề (chỉ trình bày ý kiến về “biết đọc”, hoặc chỉ viết về “trưởng thành”).
“Đề thi và khả năng làm bài của học sinh trong năm nay đặt ra yêu cầu cho giáo viên trong năm tới và các năm tiếp theo cần rèn cho học sinh kỹ năng phân tích đề; Về phía học sinh, các em cần chú trọng việc đọc nhiều, lắng nghe để nắm bắt được nhiều thông tin về những vấn đề gần gũi trong cuộc sống. Từ đó mới có được suy nghĩ sâu sắc, bằng chứng từ thực tế để bài viết tốt hơn” – một giám khảo nhìn nhận.

Môn toán: Tỷ lệ dưới trung bình chỉ khoảng 30%
Sau 4 ngày chấm thi, nhiều giám khảo cho biết hiện tại tất cả các tổ đã xong chấm xong vòng 1 và bước vào vòng 2. Dự kiến thứ hai sẽ hoàn tất công tác chấm đối với môn toán.
Tỷ lệ điểm dưới trung bình khoảng 30%. Tỷ lệ trên trung bình dao động đến 70%.
Phổ điểm tập trung trong khoảng 5,5 đến 7,5 điểm. Điểm 10 có nhưng không nhiều, mỗi tổ chấm chỉ xuất hiện từ 1-3 điểm 10.
“Kết quả môn toán năm nay khá khả quan, nổi trội hơn hẳn so với mọi năm khi tỷ lệ điểm dưới trung bình thấp hơn, phổ điểm chấm thấy học sinh đạt được cao hơn. Đối với đề này nhìn lướt qua thì học sinh sẽ thấy dễ nhưng muốn lấy điểm 10 các bạn phải có tư duy tốt và trình bày, lập luận rất cẩn thận, vì thế sẽ không có quá nhiều điểm 10” – một giám khảo cho biết.
Một giám khảo khác đánh giá, với kết quả bài làm của học sinh một lần nữa khẳng định mức độ phân hóa rất tốt của đề, đáp ứng được theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đề đánh giá được năng lực của học sinh; em nào mức độ trung bình khá thì phổ điểm khoảng 5,5 đến 6,5. Mức khá giỏi thì khoảng 6,75 đến 8. Mức giỏi có thể từ 8,3 đến 8,8. Còn xuất sắc thì từ 9 điểm trở lên.
“Với kết quả như vậy yêu cầu người dạy phải dạy, hướng dẫn và truyền đạt cho học sinh biết cách tự tư duy suy luận ở các bài toán thực tế, không suy nghĩ máy móc, tiếp thu 1 chiều. Đối với người học phải trang bị, củng cố lại nhưng kiến thức nào sẽ xuất hiện trong thi tuyển sinh lớp 10 mà mình đã lãng quên, hiểu và biết kiến thức phải chắc đừng nhớ qua loa. Hệ thống kiến thức theo chủ đề. Tránh ôn tập tràn lan đặc biệt là toán thực tế” – giám khảo này nhận định.
Môn tiếng Anh: Điểm giỏi chiếm khoảng 20%, tỷ lệ dưới trung bình khoảng 30%
Nhiều giám khảo cho biết dự kiến thứ hai công tác chấm thi môn tiếng Anh sẽ hoàn thành. Đến thời điểm này, sau 4 ngày chấm thi, điểm 10 không nhiều; 9,75 thì xuất hiện nhiều hơn. Tỷ lệ điểm giỏi từ 8 trở lên chiếm khoảng 20%; Tỷ lệ điểm dưới trung bình khoảng 30%.
Phổ điểm dao động từ 6-7 điểm. Điểm dưới trung bình thấp nhất là 1,25, còn lại phổ biến từ 4,25 đến 4,75.
Theo nhiều giám khảo, năm nay kỹ năng làm bài của học sinh tốt hơn mọi năm, các lỗi như viết câu trả lời vào đề hoặc viết tắt hầu như không có, chỉ một số rất ít còn viết tắt. Tuy nhiên, còn tình trạng học sinh chỉ chép lại đề xuống cũng sai chính tả, dẫn đến mất điểm.
Mức độ đề thi có vẻ “dễ thở” hơn so với mọi năm song tính ứng dụng của ngôn ngữ với thực tế lại cao hơn, do đó đề phân hóa tốt hơn mọi năm theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 Những câu hỏi mang tính phân hóa thì học sinh phải có năng lực từ khá trở lên mới có thể làm được. Phần phân hóa học sinh cao nhất là từ mặt thứ 4 của đề, còn 3 mặt đầu tiên của đề học sinh làm được và cũng theo phân hoá về năng lực của học sinh”.
Từ yêu cầu của đề thi và bài làm của học sinh, các giám khảo cho rằng đã đặt ra yêu cầu giáo viên phải chăm chút cho học sinh nhiều hơn về từ vựng, yêu cầu rèn chữ cho học sinh nhiều, cẩn thận hơn để hạn chế tình trạng học sinh viết sai chính tả.
Từ vựng không đánh đố nhưng học sinh vẫn không lấy được điểm, do sự ứng dụng từ vựng của học sinh còn yếu. Đồng thời thể hiện các em còn quen cách học cũ, học từ vựng riêng chứ chưa có sự gắn kết với ngữ pháp…
“Giáo viên phải thay đổi cách dạy, không quá chú trọng vào ngữ pháp mà cần tập trung vào từ vựng cho học sinh. Tuy nhiên, cách dạy từ vựng cũng phải hướng dẫn học sinh học từ theo cụm từ, theo nhiều cụm từ, từ trong hoàn cảnh chứ không học từ vựng theo kiểu rời rạc, đơn lẻ. Như vậy, khi đưa vào câu và các ngữ cảnh học sinh sẽ biết cách làm được, ngay cả khi có thể các em không biết hết tất cả từ vựng mới. Song song đó, phải tăng cường cho học sinh thực hành nhiều hơn, viết câu, đọc được từ…”.
Yến Hoa
Bình luận (0)