Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM dừng “Đề án thẻ thanh toán học phí SSC”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ năm học 2023-2024, TP.HCM dừng triển khai “Đề án thẻ thanh toán học phí SSC”, thay vào đó tiếp tục đẩy mạnh Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.


TP.HCM có điều chỉnh trong việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố từ năm học 2023-2024

Đây được xem là điểm mới nhất trong công tác tổ chức triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2023-2024, vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý.

Theo đó, với mục tiêu đẩy mạnh, mở rộng việc triển khai thanh toán không tiền mặt đối với thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố từ năm học 2023-2024, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đề nghị thủ trưởng các cơ sở giáo dục lưu ý sử dụng đúng tên Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 trong các văn bản triển khai. Điều chỉnh và không tiếp tục sử dụng cụm từ “Đề án thẻ thanh toán học phí SSC (gọi tắt là: Đề án thẻ SSC)”.

“Điều chỉnh này nhằm đảm bảo tính pháp lý theo quy định của Chính phủ và UBND TP.HCM, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh toán; bảo vệ người tiêu dùng trong việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, có sự thay đổi trong phương thức thanh toán chuyển từ thẻ sang ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, thông qua các dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng (thanh toán qua thiết bị di động, thanh toán qua internet, ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn…) cho phép phụ huynh có thể truy cập các ứng dụng trên internet, mobile để thực hiện thanh toán; dữ liệu thông tin thanh toán (số tiền, mã số học sinh, sinh viên…) được ghi nhận một cách chính xác, rõ ràng và hệ thống” – ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.

Với điều chỉnh này, ông Lê Hoài Nam yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện kết nối với các hệ thống thanh toán được cấp phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hệ thống thanh toán của cơ sở giáo dục phải bảo đảm tuân thủ các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về trao đổi dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Lưu ý các yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phải đa dạng hóa các kênh thanh toán, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán nào; tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh, người học có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán có mức phí thấp nhất hoặc không thu phí để giới thiệu đến cha mẹ học sinh, người học; thực hiện công khai bằng nhiều hình thức về mức phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn cách thức thực hiện trên bảng hướng dẫn của nhà trường, phiếu thông báo các khoản thu hàng tháng…, từ đó cha mẹ học sinh, người học có thể lựa chọn theo nhu cầu. Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ thông tin các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán đang tham gia triển khai tốt dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để cha mẹ học sinh, người học an tâm khi sử dụng.

Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM áp dụng việc thanh toán không tiền mặt đối với thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục. Tại nhiều trường học, bằng việc đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ phụ huynh học sinh sử dụng dịch vụ này lên đến gần 100%. Riêng Đề án SSC được TP.HCM triển khai từ năm 2014, là một trong những đề án tiên phong của ngành giáo dục trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục.

Yến Hoa 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)