Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Gần 56% giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến thời điểm này đã có 55,96% giáo viên toàn TP tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống dịch COVID-19. Toàn TP hiện còn 200.453 học sinh chưa có SGK (tỷ lệ 17,35%).

Do ảnh hưởng của dịch, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động toàn ngành bị mất việc làm là 12.341 người; 1517 học sinh TP.HCM mồ côi do dịch COVID-19; 10.073 học sinh phổ thông, 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0.

Sáng 14-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc trực tuyến với Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TP.HCM về tình hình đầu năm học 2021-2022.

Báo cáo về tình hình đầu năm học mới, Sở GD-ĐT TP cho biết, sau thời gian bắt đầu năm học mới, thống kê cho thấy có 94,34% học sinh tiểu học tham gia học trên internet; 0,73% học sinh đăng ký học tạm tại quê.

Ở bậc trung học, sau tuần đầu tiên có 93,91% học sinh THCS; 97,52% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Có 0,21% học sinh THCS, 0,07% học sinh THPT đăng ký học tạm tại quê; GDTX có 88,62% học sinh học trực tuyến, 0,45% học sinh đăng ký học tạm tại quê.

Khi TP triển khai kiểm soát tốt dịch bệnh, các trường dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch, ngành GD sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp, chia nhỏ lớp để học trực tiếp… Trường hợp học trực tuyến kéo dài sẽ tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài năm học, nhất là các khối lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo kết quả học tập.

TP cũng chỉ đạo các đơn vị xây dựng linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo phương án tổ chức dạy học trên môi trường internet đến hết HKI. Các địa phương kiểm soát dịch bệnh có thể chủ động báo cáo, đề xuất tổ chức dạy học trực tiếp ngay khi có đủ điều kiện. Sở đã tham mưu Thường trực UBND TP kế hoạch mở cửa dần trường học, trong đó đặc biệt lưu ý đến các điều kiện cần thiết, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

TP chỉ đạo triển khai dạy- học trực tuyến không được gây áp lực, quá tải cho học sinh, phải linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn từng địa phương, cơ sở giáo dục không nóng vội, không chủ quan, không cào bằng, thường xuyên giám sát, kiểm tra điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.

Để khắc phục phần nào hạn chế dạy – học trên internet, Sở phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM triển khai dạy học trên truyền hình. Từ 13-9 bắt đầu “lên sóng” ở bậc lớp 1, 2, tiếp tục ưu tiên các lớp đầu cấp, cuối cấp.

Ngành giáo dục chủ động phối hợp rà soát, tổ chức tiêm vắc xin đầy đủ cho giáo viên, đề xuất nghiên cứu tiêm vắc xin cho học sinh, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ điều kiện, xây dựng các phương án đảo bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên khi đi học lại. Tính đến ngày11-9 có 90,17% giáo viên đã được tiêm vắc xin, trong đó có 55,96% giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống dịch COVID-19.

Đối với công tác phát hành SGK, tính đến ngày 11-9, tỷ lệ SGK giao đến học sinh có nhu cầu là 507.034/707.487 học sinh (đạt tỷ lệ 71,67%). Toàn TP, số học sinh chưa có SGK hiện là 200.453 học sinh (tỷ lệ 17,35%). Trong đó, TH là 21,92%, THCS là 9,15%. Sở GD đã phối hợp triển khai SGK điện tử đến tất cả các cơ sở giáo dục, thông tin, hướng dẫn phụ huynh, học sinh sử dụng miễn phí.

Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, bao gồm cả học sinh, giáo viên TP. Thống kê mới nhất, có 10.073 học sinh phổ thông, 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0, 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch COVID-19.

Theo thống kê, đến ngày 11-9, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động toàn ngành bị mất việc làm là 12.341 người, ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 nhân sự (chiếm 82,08%) bị huỷ hoặc hoãn hợp đồng lao động. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể địa phương đã hỗ trợ cho 13.312 giáo viên, nhân viên, người lao động ngành giáo dục gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài với tổng số kinh phí trên 24 tỷ 136 triệu đồng.

Riêng với học sinh gặp khó khăn về điều kiện học tập trên internet, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục khi triển khai dạy học trên internet, nắm thông tin đầy đủ từng phụ huynh, tuỳ điều kiện cụ thể có sự hỗ trợ phù hợp: kết nối mạnh thường quân hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập cho học sinh; gửi tài liệu giấy, phiếu học tập… để học sinh tự ôn tập thêm. Những học sinh này sẽ được đánh gía, kiểm tra, tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp, bù đắp những hạn chế gặp phải.

Ngành giáo dục đẩy mạnh chương trình dạy học trên truyền hình, qua các đoạn phim ngắn (khuyến khích giáo viên tiểu học ghi hình bài giảng chuyển cho học sinh), phiếu học tập cho học sinh không có điều kiện học trên internet.

Đồng thời xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục, giáo viên hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong học tập. Mạng lưới cộng tác viên có trách nhiệm hỗ trợ việc in phiếu học tập gửi những em không có điều kiện học trực tuyến, học trên truyền hình…

Ngành cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, phát động cuộc vận động “Máy tính cho em” quyên góp, hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh TP. Các nhà trường cũng chủ động quyên góp, thực hiện các hoạt động để hỗ trợ học sinh.

Từ những nỗ lực đó, tính đến thời điểm này, số học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến đã giảm mạnh, từ 75.000 em giảm còn chưa đến 40.000 em, tiếp tục giảm mạnh theo khảo sát từng tuần.

Năm học 2021-2022, toàn TP có trên 1,7 triệu học sinh, tăng thêm hơn 11 ngàn học sinh so với năm học trước, chủ yếu ở bậc tiểu học. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm học này các trường tư thục gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhất là nguồn tuyển sinh ở tỉnh, thành lân cận, dẫn đến số học sinh phổ thông trường tư thục giảm mạnh với 14.301 học sinh.

Thời điểm đầu năm học mới, toàn TP có 1.253 cơ sở trường học được trưng dụng, làm điểm cách ly, hỗ trợ chích ngừa, cho bộ đội ở, trạm y tế lưu động và các hoạt động khác. Hiện có 14.312 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD đang tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Năm học 2021-2022, TP.HCM xác định học trực tuyến hết HKI. Bậc trung học đã bắt đầu từ ngày 1-9; TH bắt đầu từ ngày 8-9.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)