Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Gần 800 giáo viên tiểu học thi giáo viên giỏi thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hội thi giáo viên giỏi TP.HCM cấp tiểu học năm học 2023-2024 vừa chính thức khởi động lại sau 4 năm. Năm nay, hội thi có sự tham gia của 739 giáo viên tiểu học trong và ngoài công lập (11 giáo viên ngoài công lập) cùng 50 giáo viên dạy chuyên biệt, khuyết tật.


Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11) tham dự vòng thi thực hành tiết dạy trong hội thi

Đây là những giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên, đồng thời được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quận, huyện, TP.Thủ Đức (tính từ năm học 2021-2022) với giáo viên tiểu học phổ thông hoặc có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường (kể từ năm học 2021-2022) với giáo viên dạy chuyên biệt, giáo dục hoà nhập.

Hội thi giáo viên giỏi TP.HCM cấp tiểu học năm học 2023-2024 được chia thành 2 bảng: Bảng A: Giáo viên tiểu học; Bảng B: Giáo viên dạy chuyên biệt, giáo dục khuyết tật. Ở mỗi bảng, giáo viên sẽ dự thi qua 2 vòng thi.

Trong đó, vòng 1 là thực hành một tiết dạy theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra hội thi, tại địa điểm tổ chức thi. Tiết dạy tham gia hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp. Giáo viên không được tổ chức dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi trong năm học tổ chức hội thi.

Ở vòng 2, với Bảng A giáo viên sẽ trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục giáo viên đang làm việc với chủ đề “Thiết kế bài giảng số”, phục vụ cho việc tổ chức dạy học một bài học do giáo viên tự chọn. Bài giảng sau khi trình bày sẽ được tập hợp để xây dựng kho học liệu bài giảng số dùng chung cho toàn thành phố.

Với Bảng B, giáo viên sẽ trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc, biện pháp có thể là một bài giảng số, một đồ dùng dạy học tự làm hoặc một sáng kiến, giải pháp.

Thời lượng ở vòng 2 của cả 2 bảng không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian ban giám khảo trao đổi.


Năm nay, lần đầu tiên hội thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trong vòng thực hành tiết dạy

Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, hội thi năm nay có 739 giáo viên tiểu học trong và ngoài công lập tham gia (giáo viên ngoài công lập là 11 người) cùng 50 giáo viên dạy chuyên biệt, khuyết tật.

Điểm mới của hội thi năm nay là chuyển đổi số được TP.HCM ứng dụng xuyên suốt hội thi. Trong đó, ở vòng 1 – thi thực hành tiết dạy được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tiết dạy được tổ chức ngay tại trường nơi giáo viên đang giảng dạy, nhà trường chọn ngẫu nhiên một lớp trong khối lớp giáo viên đang dạy (không chọn lớp chủ nhiệm). Tiết dạy được thực hiện theo hình thức trực tuyến thời gian thực, thông qua công cụ Google meet. Bài dự thi sẽ do Phòng Giáo dục Tiểu học tổ chức rút thăm ngẫu nhiên.

Ở vòng 2, hội thi cũng lần đầu đưa ra chủ đề về thiết kế bài giảng số, xây dựng kho học liệu số. Đặc biệt, năm nay hội thi cũng kết hợp giữa giáo viên giỏi phổ thông và giáo viên giỏi chuyên biệt.

“Hội thi vẫn đảm bảo đúng quy định của Bộ GD-ĐT theo thông tư 22 song bằng hình thức trực tuyến giúp giáo viên thoải mái hơn về tâm lý khi dự thi, đồng thời tiết kiệm được chi phi đi lại, tổ chức cuộc thi. Với những điểm mới trong hội thi, TP.HCM muốn hướng tới trang bị cho giáo viên sẵn sàng tâm thế theo định hướng chuyển đổi số giáo dục của thành phố; Đóng góp và khai thác kho học liệu số một cách hiệu quả; Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 theo hướng sáng tạo, chủ động” – ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng chia sẻ.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hội thi được TP.HCM tổ chức theo quy định của Thông tư 22, dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi. Qua hội thi cũng góp phần giúp Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, từ đó xây dựng chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và của giáo dục.

Theo kế hoạch, trong suốt tháng 1-2024, ban giám khảo sẽ chấm tiết dạy thực hành theo hình thức trực tuyến. Vòng thi bài giảng số và biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy sẽ diễn ra vào tháng 2-2024. Kết qủa hội thi sẽ được Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo vào tháng 5-2024.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)