Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 17-2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP.


Quang cảnh hội nghị gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, chủ trương thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp có từ trước đến nay. Riêng năm nay, thành phố tập trung từ đầu năm để lắng nghe, chia sẻ, giải quyết những vấn đề doanh nghiệp đang vướng. Ngay trong tuần này và tuần sau có thêm 2 hội nghị để giải quyết cụ thể những vấn đề của doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, kinh tế thành phố sau đại dịch Covid-19 hồi phục nhanh, ổn định. Năm 2022, GRDP của thành phố tăng 9,03%, cao hơn mức bình quân tăng trưởng GRDP của cả nước là 8%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch do thành phố xây dựng từ 6-6,5%, và vượt xa so với kết quả thành phố thực hiện năm 2021 (là năm đại dịch Covid-19) với mức âm 6,75%.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thu ngân sách, xuất khẩu, nhập khẩu, tăng trưởng của doanh nghiệp, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội của thành phố đều có mức tăng trưởng cao.

“Đạt được kết quả này nhờ có sự lãnh đạo quyết liệt, tập trung của Thành ủy; sự chỉ đạo, điều hành năng động, quyết tâm, linh hoạt của chính quyền thành phố; có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và trách nhiệm của các sở, ngành thành phố cũng như các địa phương. Và quan trọng có sự đồng thuận của doanh nghiệp, địa phương; sự nỗ lực, quyết tâm cao, trách nhiệm vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp đã chung tay, góp sức cùng thành phố kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội”, ông Võ Văn Hoan nói.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan cho rằng, từ tháng 10 năm 2022, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Thị trường thế giới thu hẹp, thị trường trong nước gặp khó, lao động việc làm và các nguồn lực khác cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Như dịp Tết vừa rồi, riêng tín hiệu từ việc tiêu thụ hoa cũng cho thấy tình hình thu nhập trong dân còn gặp khó nên hạn chế chi tiêu. Sau Tết, lãnh đạo TP đến thăm, làm việc với các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp đều cho thấy những thông tin không phấn khởi nhiều về hoạt động.

“Nếu chúng ta chậm giải quyết những vướng mắc thì hoạt động doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của thành phố”, ông Võ Văn Hoan nói; đồng thời ông nhấn mạnh: “Hội nghị không chỉ lãnh đạo thành phố, các sở ngành cùng gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi các đề xuất của doanh nghiệp mà còn có trách nhiệm tìm cách tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố. Những vướng mắc lớn hơn, vượt thẩm quyền thì thành phố sẽ tổng hợp báo cáo Trung ương”.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố (HUBA) cho biết, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp có doanh thu giảm chỉ còn chiếm tỷ lệ tối thiểu là 14% so với 17% của quý trước. Trong khi đó hầu hết doanh nghiệp xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn ở mức 64%, tăng đáng kể so với 57% của quý trước.


Các doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị

Tuy nhiên đến quý 4/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó. Tín hiệu kém lạc quan trong các lĩnh vực xuất hiện như xuất khẩu, đầu tư và bất động sản cho thấy doanh nghiệp đang có dấu hiệu khó khăn. Vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng lên dấu hiệu suy giảm của thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động có dấu hiệu làm việc thay phiên hoặc nghỉ tết dài ngày. Số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý 2/2022 xuống còn 65% của quý này.

Chỉ ra những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, trong lĩnh vực xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý 1/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.

Đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 – 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.

Một số ngành khác như mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa. Lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái.

Chính sách điều hành và kiểm soát rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mang tính giật cục. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra…

Để tháo gỡ khó khăn, Hiệp hội Doanh nghiệp TP kiến nghị chính sách nhà nước hỗ trợ vốn, tín dụng; hỗ trợ thị trường trái phiếu và tài chính, thuế. Bên cạnh đó, kiến nghị TP các vấn đề về cải cách hành chính; chương trình cho vay kích cầu đầu tư; thu hút đầu tư, giá thuê đất; hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ bán hàng, quảng bá kinh doanh, chuyển đổi số…

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)