UBND TP.HCM vừa họp với Sở GD-ĐT TP.HCM về kết quả thẩm định tài liệu Giáo dục địa phương lớp 5, 9 và 12, gấp rút hoàn thành tài liệu trước thềm năm học mới 2024-2025.
Năm nay, công tác biên soạn, thẩm định tài liệu Giáo dục địa phương ở các khối lớp 5, 9, 12 – những khối lớp cuối cùng theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 – được TP.HCM triển khai khá sớm. Đến thời điểm này, TP đã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt, nhằm sớm ban hành đến nhà trường, giáo viên kịp năm học mới.
Nội dung giáo dục địa phương là một trong những môn học mới và bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học: tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, ở bậc tiểu học với tên gọi là Nội dung giáo dục địa phương em.
Từ năm học 2020-2021, khi Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai ở khối lớp 1, cho đến nay khi đã gần “phủ” hết cả 12 khối lớp, cuốn chiếu trong từng năm học, việc triển khai giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương được TP.HCM thực hiện đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù đội ngũ của mỗi nhà trường cũng như đối tượng học sinh theo khối lớp.
Không dừng triển khai ở môn học, nội dung Giáo dục địa phương còn được các nhà trường thực hiện lồng ghép, tích hợp trong nhiều hoạt động giáo dục, trải nghiệm, môn học khác nhau, giúp học sinh thêm hiểu và thêm yêu địa phương mà các em đang sinh sống cũng như thêm hiểu, yêu và tự hào về TP.HCM, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra.
UBND TP.HCM đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu Giáo dục địa phương theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa từng khối lớp như: tổ chức xây dựng khung Nội dung giáo dục địa phương các cấp học, tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức dạy thực nghiệm, tổ chức thẩm định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.
Mặc dù vậy, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, công tác in ấn, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương của TP.HCM còn gặp khó khăn, bất cập chung do vướng mắc về công tác xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành. Trong những năm qua, học sinh, giáo viên TP.HCM tiếp cận tài liệu giáo dục địa phương thông qua các hình thức như bản PDF, tài liệu mềm, Ebook…
Năm 2023, trong buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo UBND TP.HCM thẳng thắn: đối với TP.HCM, tài liệu Giáo dục địa phương để đến được tay học sinh là cả một vấn đề.
Bởi theo quy định hiện hành, việc biên soạn, xây dựng, thẩm định và ban hành tài liệu Giáo dục địa phương sử dụng nguồn tiền từ ngân sách. Tuy nhiên, TP.HCM vướng về việc muốn in ấn tài liệu Giáo dục địa phương thì dùng ngân sách cũng khó bởi không đấu thầu, không đấu giá được. Với cơ chế hiện tại, TP.HCM cũng chưa thể giao cho các nhà xuất bản phát hành tài liệu này như các sách giáo khoa khác.
Năm 2023, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có kiến nghị Bộ GD-ĐT cho xã hội hóa khâu biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương. Tức là Sở GD-ĐT trình UBND TP thẩm định khung chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 về tài liệu Giáo dục địa phương để đảm bảo sự thống nhất của các năm học từ lớp 1 đến lớp 12. Còn từ khâu biên soạn đến phát hành thì xã hội hóa như sách giáo khoa, như vậy sẽ không vướng vấn đề bản quyền để tổ chức in ấn, biên soạn…
Yến Hoa
Bình luận (0)