Sáng 11-9, UBND TP.HCM đã tổ chức họp trực tuyến với các quận, huyện và TP.Thủ Đức về phòng chống dịch sởi trên địa bàn.
ThS.BS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, ThS.BS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết trong tuần 36 vừa qua đã ghi nhận 98 trường hợp mắc sởi trên địa bàn TP.HCM (tăng 33,8% so với 4 tuần trước) có 62 ca nhập viện, không ghi nhận ca tử vong.
Ghi nhận ca nhiễm trong trường học
Tình trạng mắc dịch sởi đang tăng rất nhanh, tính hết tuần 36 trên địa bàn TP.HCM ghi nhận có tổng số 581 trường hợp mắc dịch sởi. Hiện nay, có 22 quận huyện và TP.Thủ Đức có ca mắc sởi. Trong đó có 16/22 quận huyện có số ca mắc mới trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước.
Đến nay có 172/312 phường xã có ca bệnh sởi, tăng thêm 18 phường. Trong đó, có 48 phường xã có số ca mắc sởi tăng cao so với trung bình 4 tuần trước. Tình trạng dịch sởi đang tăng ở TP.HCM không những chỉ về số lượng ca mắc mà còn lan rộng phạm vi.
Theo ThS.BS Lê Hồng Nga, phần lớn số ca nhiễm mới là trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi. Trong 5 tuần gần đây, số ca bệnh tăng rất nhanh, cộng đồng vẫn còn nhiều trẻ chưa tiêm đủ mũi, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Về chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, trong 10 ngày qua, trên địa bàn TP.HCM đã triển khai 341 điểm tiêm với tổng số mũi tiêm cho trẻ là 28.229 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi là 19.821 mũi, trẻ từ 6-10 tuổi là 5.260 mũi và đối tượng khác như trẻ nguy cơ, nhân viên y tế là 3148 mũi.
“Những ngày đầu của chiến dịch, số điểm tiêm nhiều và số mũi tiêm cao, có tiêm gần 4.000 mũi/ ngày. Tuy nhiên, bắt đầu hết lễ (2-9) số điểm tiêm và số mũi tiêm sụt giảm một cách rõ rệt. Cái này chúng ta cần hết sức quan tâm, bởi rõ ràng cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng thì mới có thể kiểm soát được dịch” – ThS.BS Lê Hồng Nga nói.
Về tiến độ tiêm cho đối tượng trẻ từ 1-5 tuổi, phải rà soát tổng số trẻ sống trên địa bàn và tiêm hết những trẻ đã được lập danh sách. Theo trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia có tổng số 437.412 trẻ.
Tuy nhiên, tính đến ngày 9-9, tổng số trẻ được điều tra, lập danh sách là 388.803 trẻ. Số trẻ thiếu mũi trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia là 60.733, số trẻ thiếu mũi theo điều tra là 50.579 (thiếu 10.000 trẻ so với hệ thống) và số trẻ đã tiêm trong chiến dịch là 19.821 trẻ.
Đến ngày 9-9, có 22 quận huyện chưa tiêm hết số trẻ thiếu mũi được lập danh sách, cao nhất là huyện Bình Chánh (83,2%) và thấp nhất là quận 3 (10,6%). Trong tuần vừa qua, một số quận huyện đã bắt đầu triển khai các hoạt động tiêm chủng tại trường học. Nhưng, số lượng điểm tiêm tại trường học trên địa bàn chưa nhiều, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Từ ngày 9-9 đến 15-9, trên địa bàn TP.HCM đã triển khai 411 điểm tiêm vắc-xin sởi. Trong đó, tại trạm y tế là 290 điểm, trung tâm y tế 3 điểm, bệnh viện 3 điểm, trường học 111 điểm và cơ sở bảo trợ 4 điểm. ThS.BS Lê Hồng Nga nhận định số ca mắc sởi tăng nhanh nhưng tiến độ tiêm chủng còn chậm.
Theo ThS.BS Lê Hồng Nga, hiện nay đã ghi nhận các ổ dịch sởi trong một số trường học trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, Trường Tiểu học Phạm Hữu Lầu (quận 7) đã có 4 ca mắc sởi; Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A) có 3 ca mắc và Trường Tiểu học Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) có 2 ca mắc; Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Tân Phú) có 2 ca mắc; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (TP.Thủ Đức) có 2 ca mắc.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đề nghị các đơn vị liên quan hoàn thành công tác điều tra trẻ 1-10 chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi. Ước tính trẻ cần tiêm trong chiến dịch khoảng gần 125.000 trẻ (gồm 60.733 trẻ 1-5 tuổi và 63.303 trẻ 6-10 tuổi). Tập trung rà soát khu vực biến động dân cư, trong trường học, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho 70% số trẻ từ 1-5 tuổi còn lại và nhóm trẻ từ 6-10 tuổi.
Đồng thời, triển khai nhiều điểm tiêm chủng tại trạm y tế, trường học, cơ sở tư nhân. Tổ chức tiêm chủng trong trường học công lập, ngoài công lập, quốc tế và hoàn thành trong tháng 9. Riêng nhóm 6-10 tuổi đồng loạt tổ chức tiêm trong tuần sau (tuần thứ 3 của tháng 9).
Ngoài ra, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo UBND phường xã tập trung thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” lập danh sách trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi (không phân biệt thường trú và tạm trú) và vận động đưa trẻ đi tiêm.
Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện, TP.Thủ Đức cùng các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của học sinh; phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức tiêm chủng tại trường học hoặc trạm y tế.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng lao động – thương binh và xã hội các quận, huyện, TP.Thủ Đức cùng các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc ngành quản lý trên địa bàn lập danh sách, điều tra tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1-10 tuổi; phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức buổi tiêm chủng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc trạm y tế.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, ngoài số liệu tiêm chủng cho trẻ trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia và của các đơn vị y tế, quận huyện, TP.Thủ Đức cần phối hợp với Công an TP.HCM để cập nhật danh sách, rà soát xem số lượng trẻ trên địa bàn chênh lệch bao nhiêu để có phương án, tính toán.
Về công tác tiêm chủng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường rà soát toàn hệ thống, tập trung ưu tiên tổ chức tiêm tại các trường học đã ghi nhận ổ dịch sởi hoặc những phường xã, khu dân xuất hiện ổ dịch sởi.
Đối với tiêm ở khu dân cư, Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy đề nghị các trạm y tế và các đơn vị ngoài công lập như VNVC và Long Châu cùng phối hợp, hỗ trợ, tăng cường tiêm ngoài giờ hành chính, thứ 7, chủ nhật; nhằm hỗ trợ cho công nhân lao động không có điều kiện về thời gian có thể đưa trẻ đi tiêm.
Trần Hướng
Bình luận (0)