Thành phố đã thất bại trong nỗ lực kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Nhiều vụ kẹt xe kéo dài trên 30 phút, trong đó có những vụ kẹt xe kỷ lục mà người dân “không nhúc nhích” được lên tới 9 tiếng đồng hồ.
Mục tiêu kéo giảm 15% vụ TNGT năm 2009 của TP.HCM lại thất bại khi số vụ tai nạn giao thông xảy ra vẫn là 1.152 vụ, làm chết 940 người (chỉ giảm 3 vụ so với năm 2008). Chưa hết, các vụ kẹt xe kéo dài trên 30 phút đến 9 tiếng đồng hồ trong năm nay cũng lên con số kỷ lục 74 lần càng làm cho kế hoạch chống ùn tắc của thành phố thêm… tắc!
Ngày 7/1, tại Hội nghị tổng kết khối vận tải công nghiệp năm 2009 và phương hướng năm 2010 của Sở GTVT, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban ATGT TP.HCM nêu "thành tích" đáng buồn: TNGT và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp.
Trong năm 2009, TP.HCM xảy ra 74 vụ kẹt xe kéo dài trên 30 phút, trong đó có những vụ kẹt xe kỷ lục mà người dân “không nhúc nhích” được lên tới 9 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, một số cầu ở TP.HCM như cầu Sài Gòn, Tân Thuận, Bình Triệu… đóng vai trò quan trọng trên các tuyến giao thông huyết mạch nhưng lại thường xuyên có xe tải chết máy giữa cầu.
17 vụ xe tải chết máy giữa cầu khiến giao thông bị tắc nghẽn từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Ông Nguyễn Ngọc Tường lý sự: không xác định được các xe chết máy trên cầu là xe từ tỉnh khác lưu thông tới hay ở tại TP.HCM!
Ùn ứ dài cả cây số trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mỗi buổi chiều. Ảnh: Thái Phương
|
Chưa hết, trong mục tiêu kéo giảm TNGT của TP.HCM năm 2009 là 15% so với số vụ TNGT năm 2008. Theo đó, thành phố sẽ phải giảm 173,25 vụ tai nạn so với năm ngoái. Nhưng đến hết năm 2009, số vụ TNGT xảy ra ở thành phố chỉ giảm 3 vụ so với mục tiêu đề ra, đó là chưa kể số người bị thương là 495 người (tăng 83 người so với năm ngoái).
Trong lúc đó, kẹt xe trở thành vấn nạn của TP.HCM không chỉ khiến người dân mệt mỏi, đau đầu mà hoạt động kinh doanh của khối vận tải công nghiệp cũng “lao đao” không kém.
Theo báo cáo của Phòng Quản lý vận tải công nghiệp, Sở GTVT TP.HCM cho biết sản lượng vận chuyển hành khách (HK) bằng xe buýt năm 2009 là 342,2 triệu lượt, chỉ đạt 93,8% kế hoạch năm. Đặc biệt, xe buýt có trợ giá chỉ vận chuyển được hơn 290 triệu lượt HK, tương đương 797.000 lượt HK/ngày, giảm 7,98% so với năm 2008.
Nguyên nhân hành khách đi xe buýt giảm, dù loại hình này đang được TP.HCM nỗ lực kêu gọi, vận động người dân cùng buýt là do lộ trình tuyến thường xuyên bị thay đổi vì các công trình rào chắn trên đường. Theo thống kê trong năm 2009, Trung tâm Vận tải hành khách công cộng đã phải thay đổi trên 200 lần lộ trình tuyến xe buýt, các trạm dừng nhà chờ cũng phải ngưng hoạt động vì “lô cốt” án ngữ…
Hành khách đi xe buýt giảm dù thành phố không ngừng kêu gọi "nào ta cùng buýt". (trong ảnh là hàng xe buýt kéo dài, nối đuôi nhau trên Xa lộ Hà Nội). Ảnh: Thái Phương
|
Tương tự, tình trạng kẹt xe thường xuyên trên các tuyến đường, khu vực cửa ngõ trung tâm thành phố đang làm các doanh nghiệp vận tải than trời vì chi phí tăng, hao tốn nhiên liệu, chậm giờ….
Hiện tại, TP.HCM đang triển khai Nghị quyết 16/2008 của Thủ tướng Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM với hàng loạt biện pháp trước mắt, lâu dài. Thế nhưng tình hình kẹt xe, ùn tắc tại TP.HCM lại diễn biến phức tạp bất kể đường lớn, đường hẻm, giờ cao điểm hay thấp điểm…
Trước đó, tháng 10/2007, TP.HCM ban hành Kế hoạch 6650 đưa ra 8 nhóm giải pháp cấp bách với mục tiêu hết quý 1/2008 sẽ kéo giảm kẹt xe và TNGT trở lại thời điểm tháng 1/2007. Ngay sau đó, dư luận lên tiếng rằng không ít nhóm giải pháp trong kế hoạch này có vẻ “bất khả khi” như chấn chỉnh đô thị, lập lại trật tự lòng lề đường; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; phân luồng giao thông một chiều các tuyến đường hay kẹt xe… Bởi hiện tại, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn diễn ra thường xuyên; các công trình rào chắn được thi công ì ạch…
Và đến nay, người dân chỉ nhắc đến 6650 như một kế hoạch đã bị phá sản của thành phố.
Thái Phương (VietNamNet)
Bình luận (0)