Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM giảm 8 sở, 5 cơ quan hành chính sau sắp xếp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 4-12, trong khuôn khổ Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 34 (mở rộng) đã diễn ra Hội nghị triển khai việc Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25102017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại TP.HCM.

Tại Hội nghị Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao quan điểm chỉ đạo của Trung ương và xác định chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18 phải được triển khai với quyết tâm chính trị cao nhất, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần phải thống nhất rất cao về nhận thức, tạo sự đồng thuận, chấp hành nghiêm trong hệ thống chính trị.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết thông tin tại hội nghị

Bà Tuyết đã trình bày phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy các ban Đảng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.

Ban Thường vụ Thành ủy định hướng việc sắp xếp bộ máy phải bám sát chỉ đạo của Trung ương.

Trong đó, về bộ máy chính quyền, nghiên cứu đề xuất sắp xếp theo hướng Trung ương có bộ nào thì TP có sở tương ứng. Đảm bảo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, nhiều tổ chức trung gian… Trong quá trình xây dựng đề án, có tổ chức đánh giá tác động, nghiên cứu đề xuất giải pháp giải quyết phù hợp với đặc thù của TP.

Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã có định hướng việc sắp xếp bước đầu.

Đáng chú ý, về Khối chính quyền, TP nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì TP có sở tương ứng.

TP sẽ nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở; nghiên cứu sắp xếp các cơ quan: Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP và Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông TP.

Cụ thể, nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư, chuyển đổi Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc; chuyển Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; chuyển một số nhiệm vụ khác của hai sở này về các sở, cơ quan có liên quan và chuyển Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao; nghiên cứu sáp nhập Sở Thông tin – Truyền thông và Sở Khoa học – Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục – Đào tạo và các cơ quan có liên quan.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của sở Lao động – Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về Sở Nội vụ, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Y tế và Sở Văn hóa và Thể thao.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.

Nghiên cứu sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc TP; sáp nhập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP và Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết nếu thực hiện theo phương án này, TP.HCM sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.

Ngoài ra, TP nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP gồm các ban quản lý, đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục y tế… Nghiên cứu kết thúc hoạt động, sáp nhập đối với một số ban chỉ đạo cấp thành, chỉ giữ lại các ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết. Từng cơ quan đơn vị trực thuộc TP xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị trực thuộc.

Đối với cấp huyện, nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đó, đề xuất sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, đề xuất thành lập Đảng bộ khối Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp huyện và Đảng bộ khối chính quyền cấp huyện. Nghiên cứu đề xuất sáp nhập Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính – Kế hoạch; kết thúc hoạt động đối với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Nghiên cứu đề xuất sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Riêng TP.Thủ Đức có nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Riêng về Khối Đảng, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; nghiên cứu kết thúc hoạt động của 11 Đảng đoàn; 3 Ban cán sự Đảng và Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP. Thành lập mới 2 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy gồm: Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp TP và Đảng bộ Khối chính quyền TP.

Chuyển các tổ chức Đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về thuộc Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp TP.

Cùng với đó là chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP và 24 Đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ chính quyền (trừ 3 Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng TP), đảng bộ cấp trên cơ sở các Tổng công ty Nhà nước, các Đảng bộ Lực lượng Thanh niên xung phong TP, Đảng bộ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP, Đảng bộ Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP, Đảng bộ Cục Hải quan TP, Đảng bộ Viễn thông TP, Đảng bộ Bưu điện TP; Đảng bộ Đại học Quốc gia TP; Đảng bộ Khối Đại học, Cao đẳng TP; Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tại TP; Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TP; Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế; Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau khi chuyển giao 11 tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường); Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau khi chuyển giao 25 tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Đảng bộ Sở Y tế; Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo; Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Đảng bộ Sở Giao thông Vận tải). Nghiên cứu chuyển giao một số tổ chức cơ sở đảng loại hình doanh nghiệp, sự nghiệp về trực thuộc các quận ủy, huyện ủy và thành ủy Thủ Đức. Sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ TP còn 27 Đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tiến hành song song với công tác Đại hội Đảng bộ và các công tác thường xuyên khác. Ban Tổ chức đề xuất một số nội dung sau cần được các lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đơn vị quan tâm hỗ trợ, phối hợp và tập trung triển khai thực hiện nhằm hoàn thành nhiệm vụ chung của TP.

Hồ Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)