TP.HCM được ví như “cái túi” chứa dịch bệnh, các nơi có dịch bệnh gì thì TP.HCM sẽ có dịch bệnh đó.
Để khống chế được dịch bệnh, từ 1-7 Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai lắp đặt phần mềm giám sát dịch bệnh tới 24 trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) quận, huyện và 317 trạm y tế phường, xã.
Xung quanh vấn đề này, TS.BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Giám sát là một yêu cầu cần phải thực hiện trong việc phòng chống các dịch bệnh. Giám sát là một cái chuỗi những công việc phải làm liên tục, bao gồm việc phát hiện sớm để từ đó có những biện pháp xử lý và quản lý dịch bệnh. Yêu cầu của giám sát là phải nhanh, càng nhanh thì càng đối phó kịp thời. Bởi nếu chậm thì dịch bệnh có thể lây lan khắp nơi. Ngoài yếu tố nhanh thì bắt buộc thông tin phải chính xác. Khi đã xác định được một bệnh cụ thể thì việc thống kê, phân tích ca này trên một địa bàn là rất quan trọng. Cán bộ y tế phải nắm được dịch tập trung ở đâu, phân tán như thế nào, xảy ra do yếu tố nào. Trên cơ sở đó có thể dự báo được dịch sẽ lan tới đâu. Qua đó sẽ phòng thủ trước ở những nơi mà bây giờ chưa có dịch nhưng mình biết rõ ràng tuần tới hoặc tháng tới nơi đây sẽ có dịch. Đó chính là mục đích của giám sát”.
PV: Như ông đã khẳng định, giám sát là một yêu cầu cần phải thực hiện trong việc phòng chống các dịch bệnh. Vậy hệ thống giám sát dịch bệnh hiện nay ở TP.HCM như thế nào?
– TS.BS Lê Trường Giang: Trước tình hình dịch bệnh ngày một gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là dịch SAS, H5N1 – những bệnh đòi hỏi phản ứng nhanh, thậm chí là cực nhanh, Sở Y tế đã nhìn lại và nhận thấy hệ thống giám sát của mình không thể đáp ứng được nhu cầu của một xã hội có hội nhập quốc tế. Đó là hệ thống giám sát một chiều. Nghĩa là, sau khi bệnh nhân nhập viện, bệnh viện sẽ ghi nhận, chẩn đoán vào báo về TTYTDP TP. Rồi từ đây mới báo xuống TTYTDP quận, huyện, sau đó quận huyện báo cho trạm y tế phường, xã. Thời gian xác định được địa chỉ của ca bệnh có thể là 5 ngày, một tuần, thậm chí là nửa tháng, lúc đó dịch cũng đã lây lan khắp vùng rồi. Đó là hạn chế rất lớn của hệ thống giám sát một chiều. Để khắc phục hạn chế này, chúng tôi đã thay đổi thành hệ thống giám sát hai chiều. Tức là không chỉ từ TP báo xuống mà ngay cả ở phường, xã khi nghi ngờ một ca bệnh cũng phải ghi nhận và báo lên cho quận, huyện. Song song cùng lúc báo lên quận, huyện thì báo luôn cho thành phố. Nếu ca nghi ngờ này nhập viện, thì ngay lập tức sẽ được báo từ bệnh viện về TTYTDP TP. TTYTDP TP báo ngược lại cho quận, huyện và phường, xã để dập dịch. Thời gian giám sát dịch bệnh được rút ngắn xuống còn 24 giờ, chậm là 48 giờ.
Đây có phải là phần mềm giám sát dịch bệnh mà 1-7 Sở Y tế sẽ triển khai lắp đặt xuống các quận/ huyện, phường/xã?
– Đó chỉ là một phần của phần mềm này. Xuất phát từ nhu cầu của y tế thành phố, Sở Y tế đã xây dựng một kế hoạch giám sát, cảnh báo, cách ly, kiểm dịch trình UBND TP và được UBND TP phê duyệt. Trong việc thực hiện một chuỗi giám sát, cảnh báo, cách ly, kiểm dịch thì bước đi ban đầu bao giờ cũng là giám sát mà giám sát thì phải thông tin nhanh, chính xác. Muốn nhanh và chính xác thì phải dựa vào công nghệ thông tin. Theo đó hệ thống giám sát bằng công nghệ thông tin ra đời.Hệ thống giám sát này có hai phần mềm và hai phần này liên kết chặt chẽ với nhau. Phần mềm thứ nhất là phần mềm quản lý dữ liệu, dùng để quản lý những số liệu từ ở dưới cơ sở nghi ngờ báo lên, từ ở trên tiếp nhận và chẩn đoán báo xuống. Phần mềm thứ hai là phần mềm hệ thống thông tin địa lý. Vì dịch bệnh chịu ảnh hưởng của những yếu tố xung quanh đối với việc lan truyền nên cán bộ y tế phải hiểu được các yếu tố về văn hóa, kinh tế, môi trường nằm ở xung quanh khu vực xảy ra ca bệnh. Phải xác định được những yếu tố đó có ảnh hưởng gì đối với việc xảy ra dịch này hay không? Có ảnh hưởng gì tới việc lan truyền dịch bệnh hay không? Với phần mềm thông thường ta không thể xác định được mà phải bằng phần mềm hệ thống thông tin địa lý. Có thể nói với hệ thống giám sát dịch bệnh bằng công nghệ thông tin, chỉ cần ấn nút một cái là chúng ta có thể xác định được nhà của ca bệnh, 50 hộ dân cư xung quanh, ở khu vực đấy đã từng xảy ra bao nhiêu ca bệnh, là bệnh gì, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh…
Việc thực hiện và triển khai giám sát dịch bệnh bằng phần mềm công nghệ thông tin có trở ngại gì không, thưa ông?
– Hiện nay chúng tôi đang gặp ba cái khó khăn. Đó là bản đồ số (1/500,1/2.000) của TP chưa xây dựng xong, nên khó định vị địa lý cụ thể. Thứ hai, dữ liệu đưa vào đây chưa kịp thời nên vừa phải cải thiện địa lý và xây dựng phần mềm để chuyển sang hệ thống mạng truyền dữ liệu cho nhanh cũng như gắn kết hai phần mềm nói trên với nhau. Cái khó thứ ba là đào tạo nhân sự, đào tạo công nghệ thông tin không phải là một hai tuần mà là nhiều tháng, rồi kinh phí đào tạo cũng rất tốn kém… Có lẽ phải đến năm 2010 thì mới hoàn chỉnh được. Tuy nhiên chúng tôi không đợi đến lúc hoàn chỉnh rồi mới triển khai mà phải vừa làm vừa hoàn chỉnh dần dần, nên từ 1-7 sẽ triển khai xuống các TTYTDP quận, huyện và trạm y tế phường, xã…
Xin cám ơn ông!
Hòa Triều (thực hiện)
Bình luận (0)