Còn khoảng hơn 2 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2018. Hiện tại công tác ôn tập ở một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM đang bước vào giai đoạn khởi động, phần lớn các trường đợi đến sau khi kết thúc học kỳ 2 mới chính thức tăng tốc.
Học sinh lớp 12A13 Trường THPT Tân Bình trong giờ học môn văn |
Theo nhận định của đại diện nhiều trường THPT, đề thi THPT quốc gia năm nay có thêm kiến thức lớp 11 khiến các trường không khỏi lúng túng, khó khăn khi lên đề cương ôn tập cho học sinh. “Chúng tôi chủ yếu vẫn dựa vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để lên thời lượng kiến thức trong chương trình lớp 11 khi ôn tập cho học sinh. Song song với đó, giáo viên bộ môn cũng kết hợp nhắc lại kiến thức lớp 11 trong các bài liên quan của chương trình lớp 12 để các em chủ động nhớ lại bài và học”, thầy Võ Ngọc Sơn (Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận) chia sẻ.
Theo thầy Sơn, sau khi kết thúc học kỳ 2, từ ngày 10-5, trường sẽ bắt đầu tăng tốc ôn tập cho học sinh, tập trung trong khoảng 6 tuần, với kế hoạch tuần 1-2 là ôn kiến thức lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; tuần 3-4 sẽ ôn tổng hợp và luyện làm bài tập.
Tương tự, kế hoạch ôn tập tại Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) cũng bắt đầu từ ngày 21-5, trọng tâm là kỳ thi thử với 4 bài thi là văn, toán, tiếng Anh và 1 bài về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội theo cấu trúc đề thi minh họa để học sinh tự chọn. Theo thầy Phan Sĩ Đạt (Hiệu trưởng nhà trường), hiện tại trường chỉ tranh thủ một số bộ môn lớp 12 có giờ buổi chiều nhưng đã dạy xong chương trình để tận dụng ôn tập cho các bộ môn thi, kết hợp nhắc lại kiến thức lớp 11 trong các bài giảng chính khóa trên lớp. “Với kiến thức lớp 11, chủ yếu là tập trung vào những kiến thức cơ bản. Nhưng thực tế, giáo viên cũng không dám bỏ sót kiến thức nào, tránh trường hợp các em học tủ, học lệch”, thầy Đạt nói.
Trường THPT Dương Văn Dương (huyện Nhà Bè) cũng lên kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 từ sau ngày 24-5 bằng việc tăng thời lượng buổi 2 cho các môn tổ hợp với các tiết tổng hợp kỹ năng bài tập trong khoảng thời gian từ 3-4 tuần. “Nội dung ôn tập năm nay sẽ khiến học sinh phải học một lượng kiến thức khá nặng, cả lớp 12 và lớp 11. Kiến thức lớp 11 sẽ được nhà trường ôn trong buổi 2, phần lớn dựa vào đề minh họa của Bộ GD-ĐT và tham khảo nội dung ôn tập của trường bạn để tự đưa ra đề cương ôn tập cho trường, tránh cho học sinh ôn dàn trải, lan man khiến các em hoang mang, đuối sức”, thầy Đinh Thanh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Dương) cho biết.
Dù đã chủ động lên kế hoạch lồng ghép, ôn tập kiến thức lớp 11 vào các bài giảng của chương trình lớp 12 ngay từ đầu năm học nhưng đại diện Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh) vẫn phàn nàn rằng, giáo viên hết sức “lúng túng” không biết phải tập trung ôn tập kiến thức nào để tránh sự dàn trải cho học sinh. “Dựa trên đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT thì khối lượng kiến thức lớp 11 sẽ chiếm khoảng 20% đến 30% trong bài thi. Tuy nhiên, đề minh họa cũng chỉ là minh họa, không thể chỉ căn cứ vào đó để hướng học sinh ôn tập những kiến thức nào, bỏ những kiến thức nào”, thầy Hoàng Đức Thịnh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Giàu) băn khoăn.
Theo thầy Thịnh, từ ngày 24-4 tới, học sinh lớp 12 của trường chính thức bước vào giai đoạn ôn tập theo hình thức học song song giữa kiến thức lớp 12 và lớp 11. Trong tháng 5, trường sẽ tổ chức thi thử với đề thi giống đề minh họa của Bộ GD-ĐT để học sinh lớp 12 tự chấm điểm và rèn kỹ năng làm bài.
Cần có cách ôn tập khoa học Thời điểm này, “tiến độ” ôn tập cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập và THPT quốc gia đang vào hồi quyết liệt. Có những phụ huynh đưa con đi ôn tập ở trung tâm và túc trực ở đó, chờ đón con về hoặc “chạy sô” qua ôn ở điểm khác, thầy cô khác… Không những các em mệt mỏi mà phụ huynh cũng vất vả không kém. Nguyên nhân là do phụ huynh và học sinh chịu quá nhiều áp lực thi cử. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nền tảng kiến thức của các em đến mức nào? Một khi đã có nền tảng kiến thức, nắm vững kiến thức chuẩn thì việc ôn tập chỉ nhằm nâng cao, mở rộng và củng cố kiến thức, cách vận dụng linh hoạt kiến thức vào bài làm. Vì vậy, các em cần biết rõ mình “đang đứng ở đâu” để có hướng ôn tập hiệu quả. Nếu bị hổng kiến thức nền mà cứ “đắp” lên đó những kiến thức mới thì sẽ không ổn. Nó vừa gây căng thẳng, mệt mỏi và dẫn đến sự mất tự tin cho các em vì ôn tập mãi vẫn… không hiểu, chỉ chép lại bài giải một cách máy móc. Nhiều phụ huynh cứ bắt con ôn tập hết trung tâm này qua trung tâm khác; cứ nghĩ đơn giản là “không bổ bề dọc thì cũng bổ bề ngang”. Việc học không đơn giản như vậy! Nếu học quá nhiều, đầu óc sẽ trở nên bão hòa, mụ mẫm; trẻ trở nên lờ đờ, không làm chủ được bản thân. Tốt nhất là biết cách ôn tập vừa phải, đúng sức học của các em. Giữa các buổi ôn tập nên có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe, phục hồi trí não sau khi “căng mình” ra học. Thời gian nghỉ ngơi chính là lúc “tiêu hóa” kiến thức; biến kiến thức sách vở thành kiến thức thực thụ của mình. Phụ huynh, thầy cô phải là người gần gũi, động viên học sinh kịp thời để các em có thêm niềm tin vào bản thân, dù là một cố gắng nhỏ… Cũng cần nói thêm là chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất cũng góp phần quan trọng trong việc ghi nhớ kiến thức và vận dụng kiến thức của các em khi làm bài thi. Lê Đức Đồng |
Trong khi đó, tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), ngay từ đầu tháng 4, trường đã khởi động ôn tập kiến thức lớp 11 cho học sinh lớp 12 vào các tiết học của buổi 2. Đến cuối tháng 5, sau khi thi học kỳ 2 xong, các em học sinh mới chính thức “chạy nước rút” ôn tập. Theo thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường), do khối lượng kiến thức ôn tập quá nặng, trải dài trong tất cả các môn thi, nên với kiến thức lớp 11, nhà trường mới chỉ đang rèn kỹ năng vận dụng, liên hệ giữa kiến thức cũ và kiến thức mới cho học sinh. “Không hề có sự khoanh vùng trọng tâm kiến thức lớp 11 sẽ đưa vào đề thi nên nếu các trường, tổ trưởng bộ môn không có đề cương ôn tập bài bản thì sẽ rất dễ gây hoang mang và tạo áp lực cho học sinh. Đây cũng là áp lực và khó khăn trong quá trình ôn tập năm nay”, thầy Cường phân trần.
Yến Quân
Bình luận (0)