Sự kiện giáo dục

TP.HCM: Giáo viên tiếng Anh THCS được nâng cao năng lực giảng dạy hướng tới đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng trăm giáo viên tiếng Anh tại các trường THCS tại TP.HCM đã cùng tham gia Hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking”.

Hội thảo do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT, Trung tâm Anh ngữ Đình Lực tổ chức vào cuối tuần này.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM cho hay, trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị ngày 12-8-2024 có nội dung “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”. TP.HCM cũng được Bộ GD-ĐT, UBND TP giao nhiệm vụ tiên phong đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Theo lộ trình, trong năm học này TP sẽ hoàn thành bộ tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Năm học 2025-2026 sẽ bắt đầu triển khai.

“Với mong muốn góp một phần nhỏ vào thực hiện chủ trương này, Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức các chương trình, hội thảo về tiếng Anh. Hội thảo ngày hôm nay là một trong những nội dung nằm trong mục tiêu đó, nhằm phần nào giúp đội ngũ thầy cô nâng cao hơn nữa năng lực tiếng Anh, thực hiện tốt mục tiêu của Bộ Chính trị, của thành phố” – ông Tú cho biết.

Ông Hồ Như Duyến – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT chia sẻ tại hội thảo

Ông Hồ Như Duyến – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải không ngừng nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Hội thảo với mong muốn giúp giáo viên có cơ hội tìm hiểu về một phương pháp học tiếng Anh với việc áp dụng tư duy logic của toán học và việc học tiếng Anh, cùng mang đến những góc nhìn đa chiều để việc giảng dạy tiếng Anh nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.

Đại diện Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM tặng hoa chúc mừng hội thảo

Là thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Notingham, Anh quốc; Nghiên cứu sinh giáo dục học, ĐH Reading, Anh quốc – Giám đốc học thuật DoL English Đình Lực – bà Hà Đặng Như Quỳnh đánh giá, thách thức của giáo viên hiện nay là học sinh thậm chí còn có khả năng tiếng Anh giỏi hơn cả thầy cô.

Vì thế, theo bà, giáo viên cần xem việc dạy tiếng Anh không chỉ là dạy ngôn ngữ mà còn là dạy tư duy. Sẽ không tồn tại một cách dạy tiếng Anh “chuẩn” cho tất cả học sinh mà mỗi học sinh sẽ “là một bài toán cần giải”. Bởi các em có những tư duy logic khác biệt; kiến thức xã hội khác biệt; kiến thức nền về ngữ pháp, từ vựng khác biệt; thói quen học tiếng Anh khác biệt; cảm quan về tiếng Anh khác biệt.

Bà Quỳnh chia sẻ về phương pháp tư duy Linearthinking để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông. Linearthinking là hệ phương pháp học tiếng Anh với mạng lưới nhiều phương pháp con, tư duy con để giải quyết vấn đề tương ứng từng kỹ năng, trình độ. Linearthinking đánh dấu lần đầu tiên tư duy toán học được áp dụng vào việc học ngôn ngữ. Đặc biệt, Linearthinking là hệ phương pháp do người Việt tạo ra, chú ý tới sự ảnh hưởng của tiếng Việt lên việc học tiếng Anh và đặc điểm riêng của học sinh Việt Nam.

Bà Hà Đặng Như Quỳnh chia sẻ về phương pháp dạy học tiếng Anh bằng tư duy

Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2

Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đánh giá cao vai trò của hội thảo khi đã mang đến thêm một phương pháp giảng dạy tiếng Anh mới cho giáo viên và nhà trường, cùng nghiên cứu để làm sao giúp việc dạy và học tiếng Anh cho học sinh ở nhà trường đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo cô Trang, hiện nay ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường tập trung trang bị cho học sinh về kỹ năng thông qua các sân chơi hùng biện, hoạt động CLB, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế với các nước nói tiếng Anh…

“Mỗi học kỳ nhà trường đều tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Trong từng năm học, trường đều đón đoàn học sinh, giáo viên nước ngoài đến giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đây là cơ hội để thầy trò nhà trường được cùng học, cùng nâng cao khả năng tiếng Anh thiết thực nhất. Điều này cũng là hướng để nhà trường hướng tới đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2” – cô Đoan Trang cho biết.

Cán bộ quản lý, giáo viên tiếng Anh tại các trường THCS quận 10 tham gia hội thảo

Đánh giá hội thảo vô cùng ý nghĩa, cùng học hỏi và bàn thêm về một phương pháp dạy học tiếng Anh mới, cô Bành Duy Hiên My – giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) chia sẻ, hiện nay giáo viên phải nghiên cứu nhiều phương pháp khác nhau để giúp học sinh tiếp cận với môn học một cách dễ dàng.

Giáo viên đặt câu hỏi trong hội thảo
Giáo viên thích thú cùng thảo luận về phương pháp dạy học tiếng Anh mới

Trong đánh giá học sinh, giáo viên phải triển khai nhiều hình thức đánh giá khác nhau như cho học sinh phát biểu để được cộng điểm, cho học sinh sắm vai, thuyết trình chứ không chỉ dừng lại ở 1 bài kiểm tra.

Cô cho biết, nhà trường hiện đẩy mạnh học liệu số, giáo viên soạn bài giảng đưa lên để hỗ trợ học sinh học tập, ôn tập, rèn luyện, xem lại bài. Các lớp học đều có giờ học với giáo viên nước ngoài, hỗ trợ tạo điều kiện đẩy mạnh kỹ năng nghe, nói của học sinh.

Theo cô Hiên My, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học thì cần cả quá trình, đưa tiếng Anh vào nhiều môn học chứ không chỉ là môn tiếng Anh. Có thể nên bắt đầu từ các lớp chuyên, lớp tăng cường, sau đó mới triển khai rộng rãi.

Đông đảo giáo viên tiếng Anh THCS TP.HCM tham gia hội thảo

Cạnh đó cũng cần có môi trường để giáo viên được rèn luyện thường xuyên tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh một cách hiệu quả, chứ không phải chỉ qua các giờ học với học sinh.

Yến Hoa

Bình luận (0)