Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: GRDP trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,46%

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 17, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu mở đầu phiên họp

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở sự tăng trưởng của TP.HCM cho 6 tháng cuối năm 2024, trong đó quý III phải đạt 7% và quý IV đạt 8%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: “Sáu tháng đầu năm, TP tăng trưởng bình quân 6,43% nhưng quý III, chúng ta phải vượt lên trên 7% và đến quý IV phải vượt lên nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%”.

Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh, chủ đề năm nay của TP.HCM là chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98. “Sau một năm trển khai Nghị quyết 98, chúng ta đã làm được nhiều việc lớn nhưng cần xem những gì mong muốn chúng ta đã làm tới nơi chưa? Ví dụ như việc phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện đã phân cấp gì, tới đâu? Các quận, huyện, TP.Thủ Đức có tiếp nhận phân cấp hết chưa?” – Chủ tịch UBND TP.HCM đặt câu hỏi.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,46%, cao hơn 2,91 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023 (6 tháng năm 2023 tăng 3,55%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,18% so với cùng kỳ; Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,55%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 7,26% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,39%. Dự ước vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt 18,2% so với GRDP.

6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và TP đang hồi phục dù phải chịu không ít tác động do những khó khăn, nguy cơ bất ổn của kinh tế toàn cầu (xung đột vũ trang Nga – Ukraine kéo dài; xung đột leo thang dải Gaza; căng thẳng tại Biển Đỏ; an ninh vận tải, năng lượng, lương thực, thực phẩm bị đe dọa) và những thách thức từ bên trong (vốn, thị trường tiêu thụ, chính sách) tác động đến sức khỏe của doanh nghiệp.


Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều lạc quan khi nhận định kinh tế kinh tế toàn cầu đang ổn định sau nhiều năm chịu những cú sốc, chủ yếu là do nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng vững chắc, lạm phát ở các nền kinh tế lớn đã giảm mà không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái.

Theo báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á dự báo đạt 4,6% trong năm 2024 do nhu cầu nội địa tăng mạnh mẽ và du lịch tiếp tục phục hồi. Tăng trưởng của Việt Nam và Philippines năm 2024 được dự báo cao nhất khu vực cùng đạt 6,0%, theo sau là Campuchia 5,8%, Indonesia 5,0%, Malaysia 4,5% và Lào 4,0%. Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, Singapore lần lượt đạt 2,6% và 2,4%.

Được biết, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 567.648,7 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ.

Trong mức tăng trưởng chung 6,46% của kinh tế TP: Khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất 4,34 điểm phần trăm, đồng thời có mức tăng trưởng cao nhất 7,26%; khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 1,20 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 5,55%, trong đó công nghiệp đóng góp 1,05 điểm phần trăm, xây dựng đóng góp 0,15 điểm phần trăm; khu vực nông nghiệp đóng góp 0,38 điểm phần trăm và tăng 0,18%.

Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá hiện hành): Khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,0%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 65,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,9%.

Về tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong GRDP 6 tháng đầu năm 2024. Giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ chiếm 59,9% trong GRDP và chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp (16,4%), vận tải kho bãi (10,5%), tài chính ngân hàng (9,1%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,4%). Bốn ngành này chiếm 63,1% nội bộ khu vực dịch vụ.

Tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP đều có mức tăng trưởng dương, tăng cao nhất là ngành vận tải, kho bãi (+18,47%), tăng thấp nhất là ngành bất động sản (+2,94%).

Kinh tế toàn cầu đang ổn định sau nhiều năm chịu những cú sốc, lạm phát chung đã giảm ở hầu hết các nền kinh tế (dù mức độ diễn ra chậm và không đồng đều ở các quốc gia), áp lực chuỗi cung ứng tiếp tục giảm, việc gia tăng xung đột vũ trang và rủi ro địa chính trị sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những diến biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, kinh tế TP ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực khi GRDP 6 tháng tăng 6,46% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 5,6% (cao nhất trong 3 năm gần đây); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,0%; tổng thu ngân sách tăng khá 18% (trong đó thu nội địa tăng mạnh 29% và tăng đều ở cả 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khu vực ngoài nhà nước).

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, trong 6 tháng cuối năm cần nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18-6-2024 với tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội”, “không bàn lùi, chỉ bàn làm”.

Thủy Phạm

 

Bình luận (0)