Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: Hàng rong đang “đuổi” du khách

Tạp Chí Giáo Dục

Du lịch TP.HCM đang bị ảnh hưởng không hề nhẹ bởi “đội quân bán hàng rong” với đủ kiểu “móc túi” du khách, nhất là du khách nước ngoài. Đó là tình trạng chặt chém, bắt ép du khách mua hàng rong tại trung tâm thành phố và các điểm mua sắm, tham quan.

Người bán hàng rong đang chèo kéo du khách nước ngoài trên đường Huyền Trân Công Chúa (Q.1). Ảnh: Tr.Anh

Đây là chuyện không mới, song sau một thời gian dài các địa phương hô hào giải quyết dứt điểm thì nay hoạt động này đã trở thành nỗi ám ảnh của du khách.

Bán hàng kiểu trấn lột

Công an Q.1 thừa nhận việc kiểm tra, xử lý nhóm người bán hàng rong chặt chém là không dễ. Trước đây, người bán hàng rong bị xử lý đã chuyển địa bàn hoạt động, số ít đã chuyển đổi nghề mưu sinh lương thiện. Tuy nhiên, ngay sau đó lại xuất hiện những nhóm người khác “trấn giữ” địa bàn, hoạt động ngày càng tinh vi.

Đơn cử như nhóm Thái râu, Thành (hộ khẩu tại Q.6) có địa bàn hoạt động là Công viên Thống Nhất, đường Huyền Trân Công Chúa; Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Võ Văn Tần, Hồ Tùng Mậu, Pasteur; Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi… Ngoài ra, đội quân này còn có mặt tại các điểm mua sắm, tham quan như chợ An Đông, miếu bà Thiên Hậu, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chùa Ngọc Hoàng…

Theo quan sát của phóng viên, từ sáng sớm Thái gánh dừa ra Công viên Thống Nhất. Thấy khách từ xa, Thái gánh hàng tới mời mọc, chèo kéo, khi khách đồng ý mua dừa thì mặc sức “chém”. Mỗi trái dừa bé tẹo mà khách phải trả cho Thái gấp 10, thậm chí 15 lần giá trị thật. Chị Ngô Quỳnh Trang (Cung Văn hóa Lao động TP.HCM) kể: Có lần nam du khách người Pháp bực tức, nổi nóng đã đập nát trái dừa xuống đường vì bị Thái đòi giá 150.000 đồng/ trái dừa. “Đó là hành vi trấn lột làm mất hình ảnh thân thiện của TP.HCM trong mắt du khách”, chị Trang bức xúc.

Ngoài nhóm của Thái râu và Thành, theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi khu vực, địa bàn đều có một nhóm người hoạt động, bất kỳ nhóm nào xen vào là có chuyện. Như đường Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn thuộc sự “quản lý” của nhóm Hải, Sinh (quê Quảng Ngãi); đường Nguyễn Văn Bình, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du là của nhóm Tùng xèng… Được biết, sở dĩ người bán dừa chọn vị trí giao lộ là để phòng khi có lực lượng đô thị phường này đi qua thì chạy sang phường khác cho… tiện.

Không chỉ bán hàng với giá cắt cổ, những người bán hàng rong này còn “móc túi” du khách bằng cách tự đặt gánh hàng lên vai khách, ngỏ ý chụp hình giúp để rồi thu phí. Rất nhiều du khách phải ngậm đắng nuốt cay móc túi từ 30.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng với “dịch vụ” cho thuê gánh dừa chụp hình.

Sáng 13-11, tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Huyền Trân Công Chúa, ba du khách nước ngoài bị vây lấy bởi hai người bán dừa. Từ đầu này, du khách vừa thoát khỏi cảnh người bán chặn ngang vỉa hè bằng đôi gánh thì ở đầu kia, một gánh dừa khác tiến tới bám sát. Khi phát hiện ống kính của phóng viên, một người hất hàm về phía người cầm máy, lớn giọng: “Mày làm cái gì đó?”. Trong khi đó, người còn lại chỉ trỏ, chửi bới với những lời lẽ hết sức khó nghe.

Chịu thua nạn chặt chém?

Khu vực bên ngoài chợ Bến Thành, hàng rong đeo bám du khách từ cửa khách sạn đến nơi mua sắm, quầy đổi tiền và bãi đậu xe của chợ. Những món đồ như tăm bông, quạt giấy, lược… cho đến nước giải khát được người bán tự ý bỏ lên người khách rồi đòi tiền khiến không ít người khó chịu.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Mỹ (Công ty du lịch Lửa Việt) cho rằng cần có giải pháp quy hoạch hàng rong tại các điểm tham quan du lịch, đưa hoạt động này vào khuôn khổ để dễ quản lý.

Ông Ngô Tấn Đạt, hướng dẫn viên du lịch tự do tại TP.HCM cho biết, nhiều du khách là nạn nhân của nạn trấn lột đã phản ánh với chính quyền địa phương, cung cấp cả hình ảnh, video clip của những người bán hàng rong. Tuy nhiên với các hình phạt như hiện nay thì quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường quản lý các hoạt động mua sắm, hàng lưu niệm, hàng rong trên địa bàn thành phố để hạn chế tình trạng chặt chém du khách. Ông Vũ cũng đề nghị công an các phường trên địa bàn các quận trung tâm, nhất là Q.1 và cụ thể là P.Bến Thành, P.Nguyễn Cư Trinh, P.Đa Kao… phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong kịp thời ngăn chặn hình ảnh xấu về du lịch, xây dựng hình ảnh thân thiện, mến khách.

Có làm được điều đó thì mới thu hút khách du lịch, nhất là nước ngoài đến TP.HCM, chứ cứ như hiện nay thì chẳng khác nào đang đuổi khách đi…

Trần Anh

Bình luận (0)