Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Hàng trăm “điểm nóng” về sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-10, tại buổi giao ban quận, huyện, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM Nguyễn Đắc Thọ cho biết: “Tháng 9-2010, toàn thành phố có 1.624 ca sốt xuất huyết (SXH), trong khi đó tháng 9-2009 chỉ có 1.576 ca. Số ca tăng nhanh vào 2 tuần cuối của tháng 9…”.
Hiện nay, dịch bệnh SXH đã rải đều tại 24 quận, huyện của thành phố với 294 phường, xã có ít nhất 1 ca bệnh. Trong đó có 166 phường xã có từ 4 ca bệnh trở lên, thậm chí nhiều phường, xã có tới 18 – 20 ca bệnh/tháng. 166 phường, xã này được Sở Y tế TP.HCM đánh giá là “điểm nóng” về dịch bệnh SXH. Trong tháng 9, tổng số bệnh nhân SXH ở 166 phường, xã là 1.332 ca (chiếm 80% số ca của toàn thành phố). Trung bình mỗi tuần tại 166 “điểm nóng” này có 367 ca SXH. Ngoài ra, thành phố còn có 128 phường, xã có số ca SXH lẻ tẻ, từ 1 – 3 ca/tháng. Như vậy toàn thành phố chỉ còn 28 phường, xã chưa có ca SXH.
Những quận, huyện có nhiều ca bệnh là Q.1, 5, 7, 8, 10, 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và Gò Vấp. Trong đó “nóng” nhất là Q.8, Gò Vấp và Thủ Đức với nhiều trường hợp mắc bệnh nặng. Mới đây, tại Q.Thủ Đức, một bé trai 13 tháng tuổi đã phải nhập viện cấp cứu tại Khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 2. Bé nhập viện trong tình trạng SXH độ 3, tổn thương suy gan cấp, rối loạn đông máu. Các bác sĩ phải cho lọc máu liên tục nhiều đợt và truyền máu mới giành lại được mạng sống cho bé. Đây là một trong số 5.705 ca SXH trong 9 tháng đầu năm 2010 phải nhập viện trên địa bàn TP.HCM.
Trước thực trạng này, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng khuyến cáo: Trong thời gian bùng phát dịch bệnh SXH như hiện nay, khi thấy trẻ sốt cao liên tục trong 1 –  2 ngày cần phải nghĩ ngay đến việc trẻ có thể bị SXH. Có nhiều trường hợp trẻ bị sốt, người nhà tự mua thuốc hạ nhiệt cho trẻ uống, để 2 – 3 ngày không thấy bớt lúc đó mới đưa trẻ đi khám thì đã ở trong tình trạng sốc, làm cho việc xử trí gặp nhiều khó khăn. Bệnh SXH rất nguy hiểm do có thể bị sốc (trụy mạch, huyết áp không đo được) có thể gây tử vong, nhất là trẻ nhỏ. Do đó việc phát hiện sớm về bệnh SXH là hết sức quan trọng. Vì vậy cần đưa người bệnh đi khám sớm khi mới có biểu hiện ban đầu như sốt cao đột ngột liên tục, có chấm xuất huyết dưới da và đau nhức đầu, đau cơ…
“Theo chu kỳ, tháng 10 dịch bệnh tiếp tục tăng và chỉ giảm vào cuối tháng 11, sang tháng 12. Vì vậy từ nay đến hết 15-11, các quận, huyện phải tập trung vào xử lý dịch bệnh trên diện rộng. Ở những “điểm nóng” phải phun hóa chất diệt muỗi từ 2 – 3 lần/tuần, ra quân diệt lăng quăng 1 lần/tuần”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Lê Trường Giang chỉ đạo.
Mục tiêu của ngành y tế trong chiến dịch phòng chống sự bùng phát của SXH lần này là không để ca bệnh trong tháng 10 tăng so với tháng 9, giảm 50% ca bệnh trong tháng 11 so với tháng 10. Và khẩu hiệu của đợt ra quân lần này là: Xí nghiệp, trường học, công sở, tụ điểm (quán cà phê, rạp chiếu phim, tụ điểm ca nhạc…) không lăng quăng.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)