Năm học 2016-2017, TP.HCM có hơn 1,5 triệu HS. Để nâng cao chất lượng dạy và học, TP đã đầu tư xây mới nhiều trường học, trong đó có những trường đã từng bị “quy hoạch treo” hàng chục năm…
Trường THCS Phú Lợi (quận 8) vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: Q.Huy |
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Năm học mới 2016-2017, toàn TP khánh thành và đưa vào sử dụng 2.029 phòng học mới với tổng kinh phí đầu tư trên 5.240 tỷ đồng. Những trường học được mới xây, đều đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng ốc, trang thiết bị, phòng chức năng đạt chuẩn. Trong đó, tốc độ xây trường nhanh, nhiều thuộc về các quận ven, huyện ngoại thành như quận 8, quận 9, Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp… Đặc biệt, có nhiều trường mới xây ở quận ven có diện tích rộng, được đầu tư nguồn vốn lớn trên dưới 100 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trường lớp, phát triển giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại cho các trường học, trong đó năm học 2016-2017 đầu tư gần 800 tỷ đồng”.
Một trong những ngôi trường mới của năm học này là Trường THCS Long Hòa (huyện Cần Giờ). Có thể khẳng định, đây là một trong những ngôi trường hiện đại bậc nhất của Cần Giờ. Được xây dựng trên khuôn viên đất 16.000m2 gồm 37 phòng học và các phòng chức năng, với tổng số tiền đầu tư 100 tỷ đồng. Trường Long Hòa đáp ứng được việc dạy – học đạt chuẩn về cơ sở vật chất cho 690 HS.
Còn tại huyện Hóc Môn, ngày 3-9, ngành GD-ĐT cũng đưa vào sử dụng hai ngôi trường học mới. Đó là Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Đông Thạnh) với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Trường có quy mô 4 tầng, gồm 52 phòng học và các phòng chức năng. Đáp ứng chỗ học cho 2.500 HS và 100% số HS của trường được học 2 buổi/ngày.
Ngôi trường thứ 2 là Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Thầy Nguyễn Minh Triết – Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ: Trường được xây dựng từ tháng 11-2012 với quy mô 4 tầng, gồm 34 phòng học và các phòng chức năng, có tổng vốn đầu tư hơn 55 tỷ đồng. Cơ sở vật chất khang trang, nhà trường sẽ thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày cho 100% HS (1.500 em). Đây là điều kiện để trường nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao…
Tương tự, quận 8 cũng khánh thành 5 trường học mới với 141 phòng học, trong đó có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS. Theo ông Dương Cao Đức, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT quận 8, các trường mới được xây dựng đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Cả 5 trường đều đáp ứng các tiêu chí tiên tiến, hiện đại với đầy đủ phòng học, phòng chức năng…
Một trong những ngôi trường hiện đại của quận 8 trong năm học này là Trường THCS Phú Lợi (phường 7). Được xây dựng trên diện tích gần 10.000m2, ngôi trường được thiết kế khang trang, hiện đại và rất thẩm mỹ với 61 phòng học và các phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng. Không giấu nổi niềm vui, cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường mới có đầy đủ phòng chức năng như tin học, thực hành lý, hóa, sinh, âm nhạc, mỹ thuật, thực hành công nghệ… sẽ giúp HS có điều kiện phát triển toàn diện và chuyên sâu về năng kiếu, sở trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Hòa chung niềm vui có trường mới, tất cả giáo viên đều ấp ủ quyết tâm làm tốt vai trò mở mang, kiến tạo tri thức cho học trò”.
Phấn khởi vì từ năm học này thầy và trò không còn phải chịu cảnh trường lớp xập xệ, cô Nguyễn Thị Lệ Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Bình Thạnh) xúc động: “Cuối cùng giấc mơ cũng đã thành hiện thực. Nhớ lại từ khi thành lập trường năm 1999 trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn và Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, dù được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhưng cơ sở vật chất vẫn rất khó khăn, tạm bợ… Với ngôi trường mới này, chúng tôi sẽ xây dựng nhà trường ngày càng khang trang, xinh đẹp để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục của TP…”.
Thầy Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh cho biết thêm: “Ngành GD-ĐT quận rất vui vì năm học này toàn quận đưa vào sử dụng 3 ngôi trường mới, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 100 tỷ đồng. Đó lá hai trường mầm non phường 2, 3 và Tiểu học Lê Đình Chinh. Phụ huynh ở hai phường 2 và 3 đều vui và hài lòng khi gửi con em của mình vào hai ngôi trường mầm non được xây dựng đạt chuẩn, có phòng ốc khang trang, sân chơi rộng rãi, đầy đủ phòng chức năng”.
Tại quận 9, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT quận, bày tỏ: “Nhờ sự quan tâm của TP, của quận đối với sự nghiệp “trồng người”, năm học này chúng tôi đưa vào sử dụng 3 trường mầm non mới, được xây dựng đạt chuẩn, khang trang là Trường Long Phước, Long Bình và Long Sơn. Qua đó, giúp quận tiếp tục là một trong 5 quận, huyện của TP có tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày đạt 100%”.
Lê Quang Huy
Vẫn còn phường trắng trường học Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 cho biết: “Trên địa bàn quận 9, các phường Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Phước Bình, Phước Long B… có số người đăng ký hộ khẩu thường trú khá lớn, diện tạm trú nhà trọ “nay đây mai đó” không ổn định, đã ảnh hưởng đến việc quản lý HS trên địa bàn, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch trường lớp. Theo đó, việc xây dựng trường lớp mới không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số cơ học như hiện nay… Đơn cử như năm học 2016-2017, quận 9 tăng thêm 2.860 HS của ba bậc học, quận phải điều tiết HS từ trường đông nhiều sang trường đông ít để đảm bảo tất cả HS đều có chỗ học”. Ông Hồng Phi Vũ, Giám đốc BQLĐTXDCT quận 9 cho biết thêm: “Trong quy hoạch trường lớp của quận, từ năm 2003-2020, năm nào quận cũng khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều ngôi trường mới đạt chuẩn. Nhưng hiện tại, trên địa bàn quận vẫn còn hai phường chưa có trường THCS là phường Hiệp Phú và Phước Long B”. Không riêng gì quận 9, ngay nội thành như quận 3, từ khi có quy hoạch trường lớp đến nay vẫn còn nhiều phường trên địa bàn quận không có trường tiểu học và trường THCS. Đó là phường 12 không có trường tiểu học; các phường 3, 9, 10 không có trường THCS. Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Từ nay đến năm 2020, vốn cho các công trình dân sinh của TP như đường, bệnh viện, trường học cần tới 300 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng vốn cho việc xây dựng mới trường lớp cần tới 60 ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, ngân sách TP cho các dự án này đến năm 2020 chỉ có trên 100 ngàn tỷ đồng. Vì vậy, việc xây dựng trường lớp phải đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa mới đáp ứng được chỗ học cho HS”. An Khánh |
Bình luận (0)