Quy định mới này được nêu ra trong Nghị quyết 26/2024/NQ-HĐND quy định thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP.HCM, vừa được HĐND TP.HCM ban hành.
Theo đó, tại Chương III, Nghị quyết 26, quy định thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các đơn vị trường học công lập – PV). Trong đó, Điều 16 thẩm quyền quyết định khai thác tài sản công tại đơn vị thuộc phạm vị quản lý của TP, được quy định như sau:
- Đối với tài sản công phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: người đứng đầu đơn vị quyết định khai thác.
- Đối với tài sản công là di tích lịch sử – văn hóa, di tích lịch sử gắn với đất thuộc đất xây dựng công trình sự nghiệp, phòng truyền thống của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (trừ tài sản công phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ quy định tại khoản 1 điều này:
– Người đứng đầu đơn vị trực thuộc UBND TP quyết định khai thác.
– Người đứng đầu các sở, ban, ngành và tương đương TP, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, chủ tịch UBND quận, huyện quyết định việc khai thác tài sản của đơn vị thuộc phạm vi quản lý”.
Ngoài ra, Nghị quyết 26 cũng quy định thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan Nhà nước; tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật về hội thuộc phạm vi quản lý của TP.HCM.
Riêng cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành ủy; đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; doanh nghiệp Nhà nước không thuộc đối tượng áp dụng tại Nghị quyết 26.
Nghị quyết 26 của HĐND TP.HCM quy định thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP.HCM theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 114/2024/NĐ-CP ngày 15-9-2024 của Chính phủ.
Như vậy, quy định mới này được xem là thoáng và tạo điều kiện hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục TP.HCM trong việc khai thác, sử dụng tài sản công của đơn vị. Trước đó, với Nghị định 151 quy định thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan Trung ương, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
c) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định thuê tài sản từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động kinh doanh của đơn vị;
d) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nhiều nguồn vốn để thuê tài sản, trong đó có nguồn ngân sách Nhà nước thì thẩm quyền quyết định thuê tài sản thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này.
Yến Hoa
Bình luận (0)