Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 13-9, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp cùng UBND quận Phú Nhuận tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đồng thời triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng, mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự có ông Phạm Đức Long – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trần Minh Tuấn Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số; bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM…

Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số cho biết, hiện tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ ở Việt Nam mới đạt khoảng 8% trong khi trung bình thế giới là 19,4%. Đặc biệt, một số quốc gia như Trung Quốc là 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%.

Dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng 25% liên tục nhiều năm, quy mô thị trường đứng thứ ba Đông Nam Á, song ngành bán buôn bán lẻ nước ta còn đối mặt với nguy cơ bị thương mại điện tử nước ngoài xâm chiếm, an ninh hàng hóa, tài chính gặp nhiều rủi ro.

Từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Bộ đã chọn quận Phú Nhuận (TP.HCM) là nơi triển khai thí điểm hoạt động chính của chương trình trước khi tổng kết phổ cập toàn TP và toàn quốc.

ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thông tin, TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp năm 2024 là 22%, khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.

Theo ông Thắng, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM xác định công nghệ số là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM.

Do đó, việc thúc chuyển đổi số, đặc biệt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Song song đó, TP tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn. Xây dựng một hệ thống các biện pháp và giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có của người dân TP thông qua chương trình, đề án cụ thể cho từng năm với những nội dung cốt lõi hướng đến vận dụng hiệu quả chuyển đổi số – kinh tế số.

Trong thời gian ngắn dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, TP.HCM đã ban hành nhiều giải pháp trong hoạt động phát triển kinh tế số tại TP.

Trong đó, có nội dung quan trọng là thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn TP đến năm 2025. Qua đây, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của TP.

Theo ông Thắng, TP.HCM sẽ hỗ trợ kinh phí, tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định.

Ngoài ra, TP cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, các trường đại học, cao đẳng cung cấp các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp, phần mềm thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp.

“Mục tiêu của TP trong thời gian tới, có 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn TP được tiếp cận, cập nhật thông tin nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%”, ông Thắng cho biết.

Triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận với các mục đích:

Thí điểm Khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử, khả năng sử dụng công nghệ số thực hiện chuyển đổi số 2.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ hoạt động trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Xác định nhu cầu cụ thể, khả năng tiếp cận, thách thức và rào cản mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ trong quá trình chuyển đổi số.

Quang cảnh hội nghị

Hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Thu thập các thông tin, số liệu liên quan để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số.

Đồng thời nắm bắt, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ để phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chiến lược của TP.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mong qua hoạt động này sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh, khách quan và chính xác về thực tiễn chuyển đổi số các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Từ đó, TP có thể xác định những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để đề ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực và hiệu quả tại quận Phú Nhuận góp phần vào kế hoạch phát triển kinh tế số TP nói riêng cũng như cả nước.

Tại Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định mục tiêu tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.

Ngành bán buôn, bán lẻ một ngành rộng lớn quy mô thị trường đã vượt 180 tỷ USD vào năm 2023 với hơn 1.200 siêu thị, hơn 8.500 chợ. Hiện tại, có khoảng 5 triệu người lao động trong ngành bán lẻ nhưng chỉ có 42% sử dụng công nghệ thông tin.

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam VECOM, sự lên ngôi của mua sắm online, đã kéo theo số người đi chợ truyền thống giảm hơn 40%. Do vậy, nếu không dùng công nghệ thì rất khó quản lý và phát triển.

Hồ Trinh

Bình luận (0)