Sáng ngày 7/5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổng kết quá trình thực hiện công tác phổ cập giáo dục và công bố 24/24 quận, huyện của TP đạt chuẩn phổ cập trung học giai đoạn 2006 – 2010.
Đẩy mạnh xây dựng trường lớp là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo đầy đủ chỗ học cho học sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo đó, toàn bộ các quận, huyện của TP.HCM đã hoàn thành quy định của Bộ GD-ĐT, huy động được trên 95% học sinh phổ cập đã tốt nghiệp THCS đi học THPT (hệ chính quy và bổ túc), trung học chuyên nghiệp (THCN) và dạy nghề. Trong đó, ít nhất 15% học sinh vào học các trường dạy nghề và THCN.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm ở các đơn vị giáo dục của TP.HCM đều trên 85%. Đảm bảo tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 18 – 21 có bằng tốt nghiệp THPT (chính quy hoặc bổ túc), hoặc bằng tốt nghiệp THCN từ 75% trở lên và ít nhất 10% có bằng tốt nghiệp đào tạo nghề.
Theo số liệu điều tra, dân số TP.HCM đã tăng từ 5 triệu người (1998) lên 7 triệu người (2009). Do đó, đối tượng phổ cập giáo dục tuổi từ 11 đến 21 cũng tăng lên 723.395 người trong diện thường trú và tạm trú dài hạn (KT3). Tăng dân số cơ học do người dân từ nhiều địa phương khác chuyển đến cũng là một trong những gánh nặng cho giáo dục tại TP.HCM.
Chính vì thế, đẩy mạnh xây dựng trường lớp được UBND TP.HCM đặt ra là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo đầy đủ chỗ học cho học sinh, nhằm hoàn thành các chương trình phổ cập giáo dục. Giai đoạn từ 2003 – 2009, toàn TP đã phát triển được 1.567 trường học, 71.083 giáo viên và trên 1.464.131 học sinh các cấp.
TP.HCM đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ vào năm 1978, đạt phổ cập giáo dục tiểu học năm 1995, đạt phổ cập giáo dục THCS năm 2002 và đạt chuẩn phổ cập bậc trung học giai đoạn 2006 – 2010.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ ra chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2010, tất cả các tỉnh thành trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Riêng đối với phổ cập trung học thì thời gian hoàn thành chưa bắt buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương.
Nguyên Mi / TNO
Bình luận (0)