Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TP.HCM: Học sinh một trường THCS được tiếp cận tích hợp nhiều môn học bằng phương tiện phi ngôn ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Học lịch sử, ngữ văn, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất qua các tiết mục Flashmob đặc sắc, sinh động là cách học đầy thú vị và mới mẻ của học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức) trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo Flashmob năm học 2024-2025. Bằng âm nhạc và ngôn ngữ hình thể, học sinh đã kể lại các câu chuyện đầy xúc động, nhân văn, đậm chất giáo dục…

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo Flashmob năm học 2024-2025 với chủ đề “Vươn tới ước mơ” của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 thu hút 35 tiết mục ở 35 khối lớp trong toàn trường tham gia vòng sơ loại. Vòng chung kết có sự tranh tài của 23 tiết mục xuất sắc. Để đảm bảo mục tiêu giáo dục, ở mỗi khối lớp hoạt động trải nghiệm lại có những chủ đề riêng. Trong đó, Kết nối yêu thương là chủ đề của học sinh khối 6; Khối 7 với chủ đề Chắp cánh ước mơ; Khối 8 chủ đề Đất nước niềm tin và hy vọng; Vươn tới tương lai là chủ đề của học sinh khối 9.

Học sinh được học kiến thức nhiều bộ môn thông qua việc sân khấu hóa

Điều này đã mang những màu sắc riêng biệt trong từng tiết mục của mỗi khối lớp, thể hiện tư duy và sự sáng tạo của học sinh, lựa chọn truyền tải thông điệp riêng về ước mơ, khát vọng cống hiến, tình yêu quê hương, đất nước…

Cô Nguyễn Thị Khánh Linh – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 cho biết, trong tổng số 35 tiết mục của các khối lớp có tới 2/3 các tiết mục có sử dụng tiếng Anh, cho thấy khi môn học được tiếp cận dưới một hình thức khác, qua âm nhạc và kịch đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của học sinh.

“Giáo viên tiếng Anh đóng vai trò hỗ trợ học sinh lựa chọn các bản nhạc tiếng Anh phù hợp. Khi lựa chọn bản nhạc nào, các lớp đều phải đánh giá xem bản nhạc đó có phù hợp với chủ đề của từng khối lớp hay không. Thông qua việc tìm hiểu nội dung và ý nghĩa của từ vựng cũng góp phần giúp các em ôn luyện và học thêm nhiều từ vựng mới, hình thành tính tự học” – cô Linh nói.

Qua hoạt động trải nghiệm, giáo viên này nhìn nhận, khi tiếp cận môn học bằng hình thức khác đã mang đến sự hứng thú cho học sinh. Trên thực tế, Tổ tiếng Anh từng có sáng kiến giải pháp đưa nhạc Rap vào học tiếng Anh, đã rất thành công khi mang lại cho học sinh sự thích thú với môn học. Trong mỗi tiết học, cô Linh cho biết cô thường bắt đầu hoặc kết thúc bằng việc cho học sinh hát 1 bài hát tiếng Anh, các em tiếp thu từ vựng một cách nhanh chóng, dễ dàng, việc học hiệu quả.

“Sau những giờ học trên lớp, bước ra ngoài không gian lớp học, hoạt động trải nghiệm giúp các em tiếp cận môn học được nhẹ nhàng hơn” – cô Linh nói thêm.

Hình ảnh nghề giáo được học sinh tái hiện qua tiết mục

Cô Nguyễn Thị Mai – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 bày tỏ sự ấn tượng với những tiết mục của học sinh khi đã mang đến màu sắc mới mẻ và sâu sắc cho môn học. Ở đó, từ câu chuyện lịch sử về người anh hùng Trần Quốc Toản cho đến câu chuyện về những tình nguyện viên hỗ trợ đồng bào bị bão lũ, hình ảnh bữa cơm không đồng hay hình ảnh y bác sĩ, giáo viên, công nhân, nông dân, lao công… đều được học sinh khéo léo sân khấu hóa lồng ghép đưa vào. Các dụng cụ biểu diễn được các em sáng tạo, tích hợp môn mỹ thuật, rất ấn tượng.

“Ngoài các kiến thức môn ngữ văn, học sinh đã sử dụng rất nhiều phương tiện về ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, hình thể… để gửi gắm thông điệp về tình yêu thương, giá trị sống. Qua hoạt động trải nghiệm các em học thêm nhiều bài học về kỹ năng sống, giáo dục các em về cái đẹp… Đặc biệt, những thông tin thời sự được đưa vào các tiết mục như về lũ lụt, hoạt động của thanh niên tình nguyện cho thấy học sinh rất quan tâm đến những vấn đề diễn ra xung quanh mình. Đây chính là chất liệu để các em học văn hiệu quả hơn, môn văn đi vào đời sống một cách chân thực nhất” – cô Mai chia sẻ.

Sắm vai Trần Quốc Toản trong tiết mục của lớp, Lưu Nhật Vũ – học sinh lớp 6/9, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 khiến bạn bè phải trầm trồ bởi phong thái cũng như các màn múa võ. Để thể hiện tiết mục, Vũ đã phải cùng cả lớp tập luyện, chuẩn bị trong suốt 1 tháng, với sự hỗ trợ của các phụ huynh trong lớp.

“Sắm vai Trần Quốc Toản, em đọc và xem thêm nhiều tài liệu để hiểu thêm về nhân vật. Khó nhất với em là động tác múa võ, phải làm sao thể hiện được tài năng, phong thái của vị tướng trẻ Trần Quốc Toản, cũng như thông qua biểu cảm gương mặt, dáng đi, hành động bóp nát quả cam… Thông qua tiết mục, em hiểu thêm nhiều về kiến thức lịch sử, hiểu thêm về nhân vật Trần Quốc Toản và càng tự hào khi mình được học trong ngôi trường mang tên ông” – Nhật Vũ hào hứng.

Các môn học được tiếp cận theo một hình thức mới mang đến sự hứng thú cho học sinh

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1 đánh giá, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không chỉ làm mới việc dạy và học ở các môn học, cùng hướng đến mục tiêu giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 mà một điều quan trọng nữa đó là thông qua hoạt động đã kéo được cả học sinh, phụ huynh cùng tham gia, đón nhận.

“Sự nhiệt tình hỗ trợ của phụ huynh các khối lớp với hoạt động đổi mới môn học đã gia tăng sợi dây gắn kết giữa gia đình và nhà trường, cùng chung tay giáo dục học sinh, qua đó giúp nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nhà trường” – cô Hằng chia sẻ.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)