Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã cùng các cơ quan ban ngành cho trùng tu, sửa chữa một số công trình, di tích văn hóa, lịch sử xuống cấp trầm trọng. Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP.HCM sẽ trùng tu 31 di tích ở các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Đây là việc làm thiết thực không chỉ mang giá trị bảo tồn, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân mà còn thể hiện lòng biết ơn những bậc tiền nhân đã gầy dựng và để lại giá trị văn hóa tinh thần vô cùng giá trị.
Đình An Khánh đã khánh thành và đưa vào hoạt động sau thời gian trùng tu, sửa chữa
Lưu giữ hiện vật quý
Từ năm 2012, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Bảo tàng sở hữu hơn 43.000 hiện vật với nhiều sưu tập độc đáo, quý giá có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, dân tộc. Các bộ sưu tập giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 1945, những nét văn hóa độc đáo ở các tỉnh phía Nam và một số nước trong khu vực châu Á. Các tư liệu lịch sử Việt Nam quý báu từ thời tiền sử cho đến thời nhà Nguyễn cũng được trưng bày tại đây.
Theo thời gian, công trình bị hư hại, xuống cấp. Khu vực mái của bảo tàng bị dột và thấm, một số biểu tượng bị bong tróc. Vào mùa mưa, xung quanh tường và sàn bị thấm nước nghiêm trọng, ảnh hưởng việc trưng bày cũng như phục vụ khách tham quan. Trước đây bảo tàng vẫn thường xuyên sửa chữa thấm, dột theo từng khu vực. Kinh phí sửa chữa nhỏ hằng năm từ ngân sách Nhà nước, chưa tổ chức một công trình tu bổ, tôn tạo lớn.
Để giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử, mới đây Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã khởi công trùng tu, sửa chữa Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Ông Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) chia sẻ: “Việc tu bổ công trình kiến trúc sau khi hoàn thành sẽ giúp cho việc phát huy ngày một tốt hơn giá trị lịch sử – văn hóa của TP.HCM cũng như cả nước trong tiến trình hội nhập và phát triển trong tương lai”.
Khách quốc tế tham quan tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Sau một năm thi công, đình An Khánh (TP.Thủ Đức) đã được khánh thành vào dịp 30-4 vừa qua với kinh phí phục dựng hơn 129 tỷ đồng. Ngôi đình được xây lại cạnh vị trí cũ, sau khi di dời từ năm 2014. Đình An Khánh là một trong 3 ngôi đình cổ nhất tại vùng đất Thủ Thiêm, lập trong khoảng thời gian từ năm 1679 đến năm 1725. Ngôi đình mới có diện tích khoảng 1.200m2, gần gấp đôi đình cũ. Cổng chính đình xây theo lối tam quan truyền thống với hai tầng mái.
Ông Nguyễn Phước Hưng (Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Thủ Đức) cho biết, đình thần An Khánh được phục dựng trên cơ sở ngôi đình cổ của vùng đất Thủ Thiêm xưa. Việc phục dựng đình thần An Khánh dựa trên nguyện vọng của người dân TP.Thủ Đức và TP.HCM nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa kiến trúc của đình gắn với sự phát triển của Gia Định, của TP.Thủ Đức văn minh, hiện đại, nghĩa tình hiện nay.
Số hóa bảo tàng
Thời gian qua, một số bảo tàng trên địa bàn TP.HCM sau khi ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng đã tạo ra cơ hội mới trong việc hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân thưởng ngoạn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn có nhiều hoạt động đẩy mạnh, gia tăng sự kết nối giữa bảo tàng với học đường. Chẳng hạn, sau khi ra mắt robot Batalis, bảo tàng đã liên kết với trường học để cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu.
Trong khi đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ có phòng trưng bày kết hợp máy Hologram, phần mềm tương tác và công nghệ thực tế ảo, giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thật với nhiều góc độ khác nhau. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM áp dụng mã QR để cung cấp thông tin hiện vật cho khách tham quan. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sử dụng công nghệ 3D, ánh sáng, âm thanh tái hiện không gian nhà tù xưa.
Việc tăng cường, đổi mới công tác trưng bày để thu hút khách tham quan bảo tàng
Ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) khẳng định, trong đời sống hiện nay, bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, hiện vật quý. Các bảo tàng đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa phục vụ cho người dân thành phố và khách tham quan, giúp họ hiểu rõ hơn không chỉ lịch sử của dân tộc ta mà còn là nền tảng văn hóa của một dân tộc đã trải qua rất nhiều thời kỳ. |
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Bởi phương pháp này có nhiều mặt tích cực: Hệ thống hóa được dữ liệu; cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể; giới thiệu được nhiều hiện vật chưa thể trưng bày do thiếu không gian; giúp công chúng có thể theo dõi từ xa, tiếp cận số đông; tiết kiệm nhân lực; thay đổi quan điểm, cách thức bảo quản, phát huy giá trị di sản…
Về đường hướng phát triển sắp tới của các bảo tàng, ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đề ra ba nhiệm vụ cho các bảo tàng. Đầu tiên là tăng cường, đổi mới công tác trưng bày để thu hút hơn đối với khách tham quan. Đặc biệt là mở rộng đối tượng khách tham quan, không chỉ trực tiếp mà còn trực tuyến. “Chúng tôi sẽ lập hệ thống số hóa để khách tham quan có thể tìm hiểu bảo tàng ở bất cứ nơi đâu, thông qua các ứng dụng”, ông Thuận chia sẻ.
Thứ hai, yêu cầu các bảo tàng phải phối hợp để khai thác lẫn nhau các giá trị hiện vật. Người dân có thể xem từ một bảo tàng nhưng thấy được tất cả các hiện vật ở các bảo tàng khác để tiết kiệm thời gian và làm phong phú thêm kho tư liệu của các bảo tàng. “Cuối cùng, chúng tôi cũng tăng cường, đổi mới đội ngũ làm công tác quản lý. Đội ngũ này cần tập huấn và nghiên cứu học tập nhiều hơn, có những chuyến tham quan để mở rộng kiến thức”, ông Thuận nói.
Kiều Khánh
Bình luận (0)