Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TP.HCM: Hơn 1.200 đề tài tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học học sinh trung học

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 4-2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2022- 2023.


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (thứ 2 từ trái qua) và Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu tìm hiểu về đề tài nghiên cứu của học sinh

Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cùng học sinh, giáo viên có đề tài vào vòng chung kết.

Năm nay, vòng loại cuộc thi thu hút 1.226 dự án tham gia của 2.225 học sinh đến từ 131 đơn vị. Vòng chung kết có sự góp mặt của 52 dự án ở 21/22 lĩnh vực nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, tại TP.HCM, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), công nghệ, đổi mới sáng tạo rất được chú trọng, từng bước trở thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội thành phố, tạo động lực nghiên cứu ở các trường, cũng là việc đổi mới phương pháp tổ chức dạy học trong Chương trình GDPT 2018.

Tham gia cuộc thi học sinh bước đầu làm quen với việc NCKH, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống. Cuộc thi cũng giúp cho các em có cơ hội gắn kết với các môi trường xã hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…, là cơ hội để các em có những sản phẩm sáng tạo giúp ích xã hội.

Ông đánh giá, 1.226 đề tài tham gia vòng loại cuộc thi năm nay thể hiện nỗ lực của thầy trò, là minh chứng cho năng lực học tập và tình yêu khoa học của học sinh thành phố. Với góc nhìn trẻ đầy sáng tạo, các em đã thực hiện những dự án hấp dẫn, thú vị, có ý nghĩa thiết thực, có giá trị nhân văn, khoa học và kinh tế. Đặc biệt, 52 dự án vào vòng chung kết ở 21/22 lĩnh vực nghiên cứu đã không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; các dự án tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế không chỉ tại TP.HCM.

Nhìn nhận về việc gần đây dư luận xôn xao về vấn đề NCKH của học sinh, cho rằng sân chơi này vượt quá tầm học sinh phổ thông, phía sau sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh có bóng dáng của người lớn, có sự nghiên cứu thay của thầy cô và học sinh chỉ là người học thuộc, trình diễn lại, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: NCKH là công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi tình yêu khoa học, đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại và lòng trung thực trong khoa học. Trong quá trình học tập, NCKH các em đã ngày một trưởng thành hơn, trang bị cho mình nhiều kiến thức và kĩ năng hơn. Nhất là qua quá trình mày mò nghiên cứu, khám phá khoa học, các em rèn luyện được những phẩm chất tốt đẹp; hun đúc được tinh thần cống hiến, hi sinh cho khoa học và những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

"Tôi tin tưởng rằng học sinh thành phố trung thực, nghiên cứu thật. Mặc dù dự án có thể sơ sài, có thể chỉ là những ý tưởng ban đầu nhưng là đáng quý, là sức lao động của thầy trò các trường trên địa bàn thành phố. Những bước đi đầu tiên trên con đường NCKH sẽ là bệ phóng cho tài năng trẻ của thành phố".

Nêu dẫn chứng, ông cho hay sân chơi năm nay có nhiều đề tài rất thiết thực: đề tài về vấn đề xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái trong kỳ vọng vào thành tích học tập của con; so sánh đồng trang lứa dẫn đến hậu quả có thể đẩy học sinh vào trạng thái tuyệt vọng, căng thẳng áp lực trong học hành; dự án thái độ học sinh thành phố với nghệ thuật cải lương, có phải học sinh thành phố hướng ngoại, không tha thiết với nghệ thuật cổ truyền như cải lương; những đề tài quan tâm đến người khuyết tật…

"Rõ ràng, việc đưa các sân khấu nghệ thuật cổ truyền đến trường học hiện nay vẫn đang ít được đầu tư và nghiên cứu. Những mối quan tâm của học sinh về các lĩnh vực này là điều hết sức đáng quý" – ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin thêm, năm nay Sở GD-ĐT sẽ áp dụng các giải pháp mạnh để phòng chống gian lận, tiêu cực trong cuộc thi NCKH, như: sử dụng phần mềm “chống đạo văn”; chú ý các thể hiện, các chỉ báo: sự phù hợp giữa kiến thức, trình độ học sinh với nội dung, phương pháp thực hiện; sự phù hợp, khoa học giữa các yếu tố thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu; cách thức thể hiện việc nghiên cứu; so sánh đối chiếu dự án dự thi với các nghiên cứu trước đó và giữa các dự án cùng đề tài; sự đảm bảo của ban giám hiệu nhà trường về dự án dự thi của học sinh; xác minh tính trung thực qua việc trao đổi trực tiếp với giáo viên hướng dẫn và học sinh.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)