Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM: Hơn 600 giáo viên tiểu học các bộ môn khó tuyển nghỉ việc do thu nhập thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Tính từ năm học 2018-2019 đến năm học 2023-2024, TP.HCM chỉ tuyển được hơn 62% số giáo viên tiểu học cần tuyển ở 5 bộ môn: tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật.


Trong 5 năm, TP.HCM chỉ tuyển được hơn 60% giáo viên các môn khó tuyển so với nhu cầu

Cạnh đó, từ năm học 2020-2021 đến nay lại có đến 614 giáo viên ở 5 môn học này nghỉ việc do thu nhập thấp, áp lưc công việc cao.

Cụ thể, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học 2018-2019 đến đầu năm học 2023-204, số lượng giáo viên tiểu học dạy các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mĩ thuật còn thiếu nhiều so với nhu cầu.

Nhu cầu tuyển dụng giáo viên các môn được mô tả theo bảng sau:

Như vậy, trong suốt 5 năm, TP.HCM chỉ tuyển được hơn 62% giáo viên ở 5 bộ môn khó tuyển so với nhu cầu tuyển dụng. Trong đó, môn tin học trong 5 năm liên tục chỉ tuyển được gần 30% số giáo viên so với nhu cầu thực tế, mỹ thuật là hơn 41%, âm nhạc là gần 48%…

Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, tình trạng khó tuyển dụng giáo viên của các bộ môn này xuất phát từ thực tế thu nhập không cao, do đó không có ứng viên tuyển dụng.

4 năm, hơn 600 giáo viên các môn khó tuyển nghỉ việc

Cũng theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học 2020-2021 đến nay đã có 614 giáo viên các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mĩ thuật nghỉ, bỏ việc. Lý do theo Sở GD-ĐT là vì áp lực về công việc và chế độ chính sách chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống, bên cạnh tình trạng giáo viên bộ môn không tuyển dụng được. Trong đó 2 bộ môn tin học và ngoại ngữ có số lượng giáo viên nghỉ việc cao nhất: ngoại ngữ là 251 giáo viên, tin học với 70 giáo viên.

Khối lượng công việc vô cùng lớn song thu nhập chưa tương xứng

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Tuy nhiên, với các giáo viên mĩ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, ngoại ngữ, giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau tùy theo bộ môn và số lượng tiết dạy. Do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo số lượng lớp được phân công. Cá biệt có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng (chỉ tính số lớp theo điều lệ trường tiểu học). Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn.

Không chỉ thế, theo Sở GD-ĐT, trên thực tế, giáo viên dạy bộ môn không chỉ dạy 23 tiết/tuần mà còn phải dạy tăng giờ do trường không có đủ giáo viên bộ môn chuyên trách. Các giáo viên khi phải dạy vượt quá số tiết nghĩa vụ thì có thể được hưởng phụ trội theo Điểm C Điều 107 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 cũng quy định về làm thêm giờ: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”.

“Điều này dẫn đến giáo viên khi dạy buổi thứ 2 hoặc được giao số tiết dạy vượt số tiết nghĩa vụ cũng chỉ được hưởng tối đa 200 tiết phụ trội/năm, không tương xứng với số tiết họ đã thực hiện trong một năm học” – Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)