Cuối tuần qua, tại TP.HCM đã diễn ra Lễ tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2007-2015 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa TP.HCM với tỉnh Lâm Đồng, Long An.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Long An |
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhận định: TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực với nhau. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng. Hiện vấn đề gây khó khăn cho việc phát triển của TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng là giao thông, nhất là đường bộ và đường không. “Cần phải có đường cao tốc nối giữa TP.HCM và Lâm Đồng để nông dân ở Lâm Đồng sáng thu hoạch thì buổi trưa người dân TP.HCM đã được thưởng thức rau sạch, trái cây tươi”, ông Thăng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng cho rằng: Trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai địa phương thì ngành nông nghiệp là thu được kết quả tích cực. Hiện Lâm Đồng cung cấp 60% lượng rau và 30% lượng hoa cho thị trường TP.HCM. Ông Tiến mong muốn, thời gian tới TP.HCM hỗ trợ Lâm Đồng đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và hỗ trợ quảng bá về thương hiệu sản phẩm…
Trong buổi làm việc với tỉnh Long An, lãnh đạo hai địa phương cùng khẳng định: Trong giai đoạn 2007-2015, công tác liên kết và triển khai từ GD-ĐT, văn hóa – thể thao, kinh tế… hai bên đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của nhau. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, hiện hai địa phương đang phối hợp thực hiện các tuyến vành đai 4, cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho biết: “Trong việc gắn kết 7 tỉnh trọng điểm khu vực phía Nam với TP.HCM thì Long An là tỉnh kết nối, gắn bó mật thiết nhất. Các trục giao thông quan trọng về đường bộ và đường thủy kết nối thông suốt. Mặc dù vậy, khi có những việc phát sinh vẫn chưa xử lý kịp. Vì vậy, trong thời gian tới, sở GTVT của hai địa phương cần tập trung vào việc giải quyết những tồn tại như quốc lộ 50, cầu Rạch Dơi là trục quan trọng nhưng còn 4 cầu đã xuống cấp. Đồng thời, phát triển một số trục giao thông mới, tạm gọi là trục Tây Nam đi qua Nhà Bè, Bình Chánh; trục thứ hai là từ TP.Tân An tới trục 70A của địa bàn TP.HCM. Về đường thủy, sẽ duy tu luồng Soài Rạp…”.
Về lĩnh vực y tế, theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – thì: “TP.HCM luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế của Long An trong việc bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn. Tuy nhiên, tay nghề của cán bộ y tế của Long An cần phải được nâng cao hơn nữa để người bệnh của tỉnh ít về TP.HCM điều trị, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên…”.
Ông Phạm Văn Rạnh – Bí thư Tỉnh ủy Long An – khẳng định: “Long An và TP.HCM như “môi với răng”, việc hỗ trợ hợp tác giữa hai địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ hết mình của TP.HCM cho Long An đã giúp tỉnh phát huy được những tiềm năng, lợi thế, thế mạnh. Qua đó, giúp kinh tế – văn hóa – xã hội – an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống người dân ngày càng phát triển. Mối quan hệ giữa các huyện và các xã giáp ranh được liên kết chặt chẽ, giải quyết được ngay những vấn đề phát sinh…”. Tuy nhiên, ông Rạnh cũng không khỏi băn khoăn khi trên thực tế tiềm năng thế mạnh của hai bên thực sự còn rất nhiều nhưng vẫn chưa khai thác hết. Vì vậy, “Long An đang đợi các doanh nghiệp của TP.HCM tới đầu tư, khai thác. Long An rất quan tâm tới cải cách hành chính, hiện tỉnh đang tập trung kiện toàn công tác này. Nếu các doanh nghiệp của TP.HCM đến Long An đầu tư, liên kết có gì vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh, Long An xin hứa sẽ giải quyết ngay và kịp thời”, ông Rạnh khẳng định.
Từ thực tế của sự hợp tác này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng: “Long An có lợi thế rất lớn vì nằm sát TP.HCM nhưng tại sao chưa phát triển được? Long An phát triển cũng kéo theo TP.HCM phát triển và ngược lại. Do đó, cần phải có cơ chế điều phối vùng rõ ràng. Để giải quyết được những tồn tại này, Long An và TP.HCM phải có cơ chế riêng. Thiết thực nhất, TP.HCM và Long An phải là một – một thể chế chính sách, một hạ tầng cứng, một hạ tầng mềm… Vì vậy, hai địa phương cần tập trung giải quyết ngay về giao thông, cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và nghị quyết của hai địa phương phải thực sự đi vào cuộc sống. Việc gì làm được thì phải làm ngay, đồng thời phải có giải pháp tháo gỡ về nguồn lực…”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)