Sau thời gian dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch TP.HCM đã nối lại đường dây liên kết với nhiều tỉnh thành để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực xây dựng nhiều sản phẩm phục vụ người dân dựa trên thế mạnh du lịch địa phương.
Đờn ca tài tử miệt vườn
Tạo thuận lợi cho khách hai chiều
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP.HCM và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP.HCM. Cụ thể, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch của TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành ba trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm gồm tuyến “Những nẻo đường phù sa” (TP.HCM – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau); tuyến du lịch “Non nước hữu tỉnh” (TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh); tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” (TP.HCM – Tiền Giang – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch (tour) kích cầu từ TP.HCM đi đến các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ các chương trình này đều được giới thiệu trên website kích cầu du lịch của thành phố. “Thời gian tới, TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục liên kết hợp tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Với lợi thế thỏa thuận liên kết, TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân”, bà Hoa bày tỏ.
Du lịch sông nước miền Tây
TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm đa dạng để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động liên kết du lịch bị đứt quãng gây ra nhiều khó khăn cho du lịch TP.HCM cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long hiện đang được đẩy mạnh trở lại. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lữ hành, các tour tuyến cho rằng, sản phẩm du lịch của từng địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long dù có sự cải thiện nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt. Điều quan trọng nhất đó là việc thu hút các thị trường khách đến với các tỉnh thành trong khu vực liên kết. Để quá trình hợp tác phát huy được sự hiệu quả, cần có cơ chế, chính sách phù hợp. Thậm chí, cần phải huy động nguồn quỹ liên kết vùng, định kỳ sinh hoạt, quảng bá xúc tiến du lịch chung cho cả vùng. Song song với đó, những sản phẩm du lịch trong quá trình liên kết phải đa dạng, không nên chồng chéo nhau. Ví dụ Bạc Liêu có sản phẩm gì thì Cần Thơ sẽ có sản phẩm khác, hỗ trợ cho nhau trong quá trình tổ chức một tour xuyên suốt.
Tích cực xây dựng sản phẩm
Riêng TP.HCM, để hoạt động liên kết được đạt hiệu quả, các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang tích cực xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt đồng thời thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM đã xây dựng hơn nhiều tour được kích hoạt từ TP.HCM đi đến các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Saigontourist Group, đơn vị thành viên của chương trình liên kết vùng cũng đã tiến hành khảo sát 126 điểm đến, 31 khách sạn, resort, homestay, farmstay, 15 nhà hàng và 11 cửa hàng quà tặng, quà lưu niệm và 5 chương trình nghệ thuật phục vụ du khách.
Ông Võ Anh Tài (Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group) cho biết, mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng công ty đã xây dựng và triển khai được 3 sản phẩm liên kết theo tuyến, là các tour dài ngày đi qua hết các tỉnh, thành trong vùng. Các sản phẩm du lịch này hiện đã được quảng bá truyền thông với công nghệ mới, công nghệ số, được giới thiệu trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí, quầy giao dịch của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại 14 địa phương. “Thực tế các tour liên kết hiện nay với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được đông đảo du khách lựa chọn”, ông Tài cho biết.
Tour du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long
Ông Trần Đoàn Thế Duy (Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel) cho rằng, việc liên kết du lịch với đồng bằng sông Cửu Long đã cho thấy sự phân vai rõ hơn, chia thành các cụm miền Đông, cụm phía Tây và từng tỉnh đều tìm kiếm nét khác biệt cho sản phẩm du lịch của địa phương mình, như không phải nơi nào cũng đờn ca tài tử hoặc miệt vườn sông nước… Đây là điều tích cực bởi khách đi tour không cảm thấy trùng lắp nhưng trong xây dựng sản phẩm cần làm rõ hơn sự đặc sắc của từng nơi đi qua.
Theo ông Duy, để TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có thể liên kết được tour/tuyến, cần thành lập tổ công tác chung để giải quyết các vấn đề, tháo gỡ khó khăn. “Tại địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế… Song song, địa phương cũng cần ban hành gói kích cầu về miễn giảm vé tại các điểm do Nhà nước quản lý, đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực sau dịch…
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)