Thời gian vừa qua trên địa bàn TP.HCM xảy ra nhiều vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Nhằm kéo giảm TNGT có liên quan đến xe ô tô, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ.
CSGT tuyên truyền bằng loa nói để nhắc nhở người lưu thông tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành
Những vụ TNGT ô tô lúc rạng sáng
Vụ TNGT ô tô gần nhất xảy ra vào lúc 5 giờ sáng 18-4, khi tài xế điều khiển xe tải cẩu (BKS: 61C-341.17) lưu thông trên đường Võ Trần Chí (hướng từ đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương ra Quốc lộ 1), khi đến cầu Chợ Đệm (huyện Bình Chánh) thì thắng xe bị trục trặc nên tạm dừng xe ở làn đường sát dải phân cách để kiểm tra. Trong lúc tài xế và phụ xe đang loay hoay sửa chữa thì bất ngờ bị tài xế điều khiển xe tải (BKS: 69C-006.34) lưu thông cùng chiều tông mạnh từ phía sau. Hậu quả vụ tai nạn làm cho cả hai tài xế tử vong tại chỗ. Riêng phụ xe bị văng qua dải phân cách của chiều lưu thông ngược lại nên chỉ bị thương, may mắn thoát chết. Cơ quan chức năng xác định hai người tử vong là anh Ngô Triều Mến (27 tuổi, quê Cà Mau) và Nguyễn Thành Công (31 tuổi, quê Vĩnh Long).
Trước đó, cũng vào khoảng 5 giờ sáng ngày 8-4, nam tài xế (khoảng 45 tuổi) điều khiển container (BKS TP.HCM) khi đang lưu thông trên đường 18B (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) thì bất ngờ mất lái lao lên vỉa hè rồi tông vào 3 căn nhà (số 76B, 76C, 76E) trên đường 18B. Lực tông quá mạnh khiến tường gạch và cửa trước của 3 hộ dân đều bị đổ sập, cabin xe đầu kéo cũng bị biến dạng nằm lọt trong nhà dân. Rất may 14 người sống trong 3 hộ gia đình này đều thoát chết trong gang tấc, riêng tài xế được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài và chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Trong lời trần tình với lực lượng chức năng bằng giọng run run, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (chủ căn nhà 76C) thuật lại rằng khi 6 người trong gia đình chị đang ngủ trên lầu thì bất ngờ nghe tiếng động cực lớn và cảm giác rung lắc như có động đất. Sau giây phút định thần, cả nhà phải tìm đường thoát ra ngoài vì phần trước ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn, 4 xe máy để trong nhà cũng bị hư hỏng nặng.
Trước vụ container tông sập 3 nhà dân khoảng 10 ngày, trên địa bàn phường Trung Mỹ Tây (quận 12) cũng xảy ra vụ TNGT tương tự. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 4 giờ 30 ngày 28-3, tài xế điều khiển xe container (BKS: 51C – 584.52) lưu thông trên quốc lộ 22 (hướng từ ngã tư An Sương đi huyện Củ Chi) khi đến ngã ba Việt Hưng bất ngờ xe mất lái lao vào dải phân cách, sau đó đâm sầm vào nhà dân và tông sập tầng dưới của căn hộ khiến tường nhà đổ sập, nhiều đồ dùng bị hư hỏng. Chủ nhà là ông Lê Ngọc Bình cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn ông cùng vợ con đều ngủ trên lầu nên may mắn không xảy ra thương vong về người.
Tăng cường kiểm tra lái xe “4 bánh”
Theo nhận định của Trung tá Huỳnh Trung Phong (Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM), tình hình TNGT liên quan đến xe tải, xe container gây hậu quả nghiêm trọng đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia giao thông, đồng thời gây bức xúc trong dư luận. Do đó, bên cạnh công tác phối hợp điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn, lực lượng CSGT đang tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn hoặc sử dụng chất kích thích ở người điều khiển phương tiện ô tô chở khách, ô tô tải chở hàng hóa, ô tô con và cả người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Trong trường hợp phát hiện người điều khiển có dấu hiệu sử dụng chất kích thích, CSGT sẽ chủ động phối hợp với cơ sở y tế để xác định chất kích thích trong máu và bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.
Đối với hành vi sử dụng ma túy khi lái xe, Khoản 11, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 quy định: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 tháng đến 24 tháng, hoặc phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày. Đối với vi phạm nồng độ cồn, Khoản 9, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 4 đến 6 tháng. |
Bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt còn tăng cường giám sát và xử lý vi phạm quá tải, xe lưu thông không đúng phần đường (làn đường), xe lưu thông vào đường cấm hoặc vi phạm quy định giờ vào nội ô thành phố. Trung tá Lữ Hồng Kiên, Phó trưởng Trạm CSGT Tân Túc (trực thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM) cho biết, bên cạnh công tác tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát khép kín trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lực lượng chức năng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách dán niêm yết cảnh báo về TNGT bằng hình ảnh trực quan, hoặc hình ảnh về các hành vi tiềm ẩn nguyên nhân gây TNGT để tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho cộng đồng. Ngoài ra, lực lượng CSGT còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp bằng loa nói trên các tuyến đường, ở các chốt ngã ba, ngã tư có đông phương tiện giao thông qua lại, nhằm nhắc nhở người dân thực hiện đúng các quy định về ATGT của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Vũ Phương
Bình luận (0)