Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ việc thiếu giáo viên cục bộ, năm học 2022-2023, TP.HCM đã xây dựng nhiều giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh và tin học; qua đó duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.


TP.HCM triển khai nhiều giải pháp để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trong năm học này (ảnh minh họa)

Nhiều quận/huyện thiếu giáo viên

Tính đến thời điểm này, toàn quận 4 mới đáp ứng được 31,7% giáo viên còn thiếu cho năm học mới. Cụ thể, với nhu cầu tuyển dụng là 123 viên chức (114 giáo viên, 9 nhân viên) thì quận mới tuyển được 40 viên chức (37 giáo viên, 3 nhân viên). Thậm chí, hai môn tiếng Anh và tin học ở bậc tiểu học dù nhu cầu cao song không có giáo viên đăng ký dự tuyển. Tương tự, quận Phú Nhuận cũng đang đối diện với tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Lãnh đạo UBND quận này cho biết, hiện quận mới chỉ đáp ứng chưa được 1/2 số giáo viên còn thiếu trong năm học mới. Thậm chí, nhiều giáo viên dù đã trúng tuyển rồi nhưng không gắn bó lâu dài trước áp lực công việc lớn và thu nhập chưa tương xứng, càng đặt ra thêm áp lực về việc thiếu giáo viên cho các trường. Trong khi đó, tại quận Tân Bình, tình trạng thiếu giáo viên đáp ứng cho năm học mới cũng đang diễn ra tại nhiều trường. Cụ thể, đến thời điểm này với nhu cầu ở bậc tiểu học là 82 giáo viên, song chỉ có 59 ứng viên đăng ký; bậc mầm non, nhu cầu là 72 giáo viên nhưng chỉ có 42 giáo viên ứng tuyển. Ngược lại, bậc THCS, nhu cầu là 87 giáo viên nhưng số ứng viên đăng ký lên đến 116 giáo viên. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình) cho hay, tình trạng thiếu ứng viên dự tuyển sẽ tác động đến chất lượng giáo viên được tuyển dụng. Ngoài ra, đa phần các ứng viên khi đăng ký dự tuyển vẫn quan tâm đến các trường lớn, ít quan tâm đến các trường nhỏ, dẫn đến tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”.

Bước vào năm học mới, Trường THCS An Phú (TP.Thủ Đức) vẫn còn… trống 12 biên chế giáo viên, nhân viên, chưa kể bảo mẫu. Cô Mai Thị Thu (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, năm học này trường được giao chỉ tiêu biên chế 72 giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này khi năm học mới đã bắt đầu, trường mới có 60 biên chế, còn thiếu 12 biên chế, đa phần là giáo viên, chưa kể bảo mẫu. “Phòng GD-ĐT chưa tổ chức tuyển dụng nên trường chưa có giáo viên. Hiện nay trường đang thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng hoặc giáo viên trong trường kiêm nhiệm. Dù thiếu giáo viên, khó tuyển dụng nhất là giáo viên môn tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, song khi thực hiện hợp đồng, trường không được lấy từ nguồn ngân sách chi trả, gây khó khăn cho đơn vị”, cô Thu cho hay.

Triển khai nhiều giải pháp, đổi mới công tác tuyển dụng

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được TP.HCM đưa ra trong năm học này là đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập, đổi mới tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… Đặc biệt, có chế độ chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, nhà ở. Những điều này nhằm tạo môi trường hấp dẫn hơn để thu hút giáo viên khi tuyển dụng cũng như giữ chân giáo viên trong công tác. Tại quận 4, bắt đầu từ năm học 2022-2023, quận sẽ áp dụng việc luân chuyển mỗi năm từ 5-10% giáo viên ở các trường trên địa bàn quận để tạo môi trường cho thầy cô phát triển, từ đó thu hút giáo viên tham gia ứng tuyển hơn. Bà Phạm Thúy Hà (Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 4) thông tin, quy định này đã được quận 4 áp dụng từ 8-9 năm trước song năm học này mới được triển khai lại. Điều này ban đầu có thể sẽ khiến giáo viên gặp khó khi làm quen với môi trường mới, song nếu làm tốt sẽ hạn chế được rất nhiều hệ lụy, tạo môi trường tốt để thầy cô được phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn quận, cũng như giúp thu hút hơn giáo viên trong tuyển dụng…

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, trước mắt các trường thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên. Theo ông Hiếu, hiện nay Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ đã phần nào gỡ khó cho các trường trong việc thực hiện hợp đồng lao động với giáo viên. Cụ thể, nghị quyết cho phép các trường được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ GD-ĐT, song không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng.


Nhiều giải pháp mang tính đột phá được triển khai nhằm thu hút giáo viên (ảnh minh họa)

Trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học ở các khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là khối lớp 3, ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) yêu cầu các quận/huyện thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt, hợp lý, hiệu quả; bảo đảm 100% trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức dạy học được môn tiếng Anh và tin học theo quy định. Trong điều kiện thiếu giáo viên, thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng bậc học; biệt phái, điều động giáo viên tiếng Anh và tin học bậc THCS tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học. Song song đó, có phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên được điều động, biệt phái dạy liên trường, liên bậc học phù hợp với thực tế của địa phương và bảo đảm đúng quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên, ông Bảo đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp; sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến khi đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền và có giáo viên trợ giảng, phụ trách lớp học tại các điểm cầu. Tham mưu các cấp quản lý thực hiện phương án phối hợp để tổ chức dạy học tiếng Anh và tin học bảo đảm thực hiện chương trình môn học. “Với các trường, điểm trường không thể bố trí giáo viên dạy trực tiếp thì cần xây dựng mô hình học tập trực tiếp qua lớp học ảo – một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp học ở những vị trí địa lý khác nhau. Đây là mô hình mới được áp dụng trong năm học này, tận dụng hiệu quả của việc dạy học trực tuyến linh hoạt trong năm học vừa qua. Ví dụ, tại các cơ sở giáo dục ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), tiết học tiếng Anh của học sinh nơi đây có thể học cùng với học sinh ở quận 1 thông qua mô hình lớp học ảo, với sự hỗ trợ của công nghệ”, ông Quốc nói.

Bài, ảnh: Thành Nam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)