Sáng 3-10, tại Nhà hát Bến Thành, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đã phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời”, thời gian từ ngày 1 đến 7-10-2024.
Bà yêu cầu mỗi cơ quan đơn vị, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử, trên các trang mạng xã hội về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.
Bà đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đến các trường học, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.
Đề nghị Sở GD-ĐT đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “tủ sách góc lớp”, “thư viện lưu động”, “thư viện linh hoạt”, “thư viện điện tử”… Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
Các phường, xã, thị trấn phấn đấu xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã; các quận, huyện và TP.Thủ Đức cần phấn đấu xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp huyện; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phấn đấu xây dựng “Đơn vị học tập”. Các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hình thức học tập linh hoạt, các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nơi học sinh có thể đến học nhóm, đọc sách, người cao tuổi được phổ cập các kỹ năng số, sử dụng điện thoại thông minh.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ mong muốn mỗi cá nhân nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng năng lực tự học thông qua văn hóa đọc. Đọc sách không chỉ là một sở thích mà còn là một hành trình khám phá tri thức, mở rộng tầm nhìn và rèn luyện tư duy. Thông qua sách, chúng ta được tiếp cận với những kiến thức mới, những nền văn hóa khác nhau, những câu chuyện cảm động và những bài học quý giá. Đọc sách giúp chúng ta nâng cao vốn từ, cải thiện khả năng viết, phát triển tư duy logic và sáng tạo.
“Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời là cách hoàn thiện tri thức kỹ năng của bản thân để hoàn thành mục tiêu phấn đấu trong học tập, trong công việc, để trở thành công dân học tập toàn cầu” – bà Thúy nhấn mạnh.
Đặc biệt, bà đề nghị, UBND TP.Thủ Đức và 21 quận huyện cần tích cực xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn, nhằm giúp cho mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp hơn.
“TP.HCM vừa được UNESCO công nhận là TP học tập toàn cầu. Đây là niềm tự hào song cũng là trách nhiệm to lớn. Để xứng đáng với danh hiệu này, mỗi người dân cần chung tay góp sức xây dựng một TP không ngừng học hỏi và phát triển. Việc làm đầu tiên, quan trọng nhất chính là phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời. Xã hội hiện đại yêu cầu con người phải không ngừng học tập. Tôi kêu gọi mỗi người dân hãy xây dựng thói quen đọc sách, tích cực học tập, tự giác xây dựng năng lực tự học để trở thành công dân số, công dân của TP học tập toàn cầu UNESCO” – Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Tham dự tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao quyết định Bằng công nhận TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đây đều là mức độ cao nhất theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, cùng với việc được công nhận là TP học tập toàn cầu của UNESCO thì những kết quả trên là nỗ lực cố gắng vượt bậc của TP.HCM, bởi TP có những thách thức khó khăn rất lớn.
Thứ trưởng Thưởng nêu rõ, những thách thức của TP.HCM đến từ quy mô dân số lớn nhất cả nước; Hiện tượng di dân, di dân tự do rất lớn, dẫn đến việc xây dựng xã hội học tập, phổ cập, phát triển văn hóa đọc còn gặp khó khăn; Thách thức của TP còn đến từ thiết chế văn hóa còn thấp trong bối cảnh chung. Đến năm 2021, TP chỉ có 27 thư viện công so với quy mô của TP thì rất nhỏ, dẫn đến văn hóa đọc, tỷ lệ người dân ham đọc sách còn thấp…
“TP.HCM có lợi thế từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự sáng tạo, chủ động của người dân TP… Trong thời gian tới, TP cần xác định những khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ giải pháp để thúc đẩy, vượt qua thách thức, vai trò của ngành GD-ĐT trong công tác tham mưu thực hiện. Sự học phải mưa dấm thấm lâu, kiên trì, nhẫn nại từng ngày, từng giờ…” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đặt nhiệm vụ.
Dịp này, UBND TP.HCM đã tuyên dương 49 tập thể, 16 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu năm 2023 phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn TP.
Yến Hoa
Bình luận (0)