Nhằm xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh, thân thiện và thu hút hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, kể từ ngày 15-8-2019, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Sở GTVT TP.HCM) và Công ty Citranco chính thức đưa vào hoạt động 19 xe buýt mới trên tuyến xe buýt số 69 (Bến xe buýt Sài Gòn – Bến xe buýt Tân Phú).
Những chiếc xe buýt mới hoạt động trên tuyến số 69
Tần suất hoạt động 140 tuyến/ngày
Xe buýt mới hoạt động trên tuyến số 69 là loại xe Samco 51 chỗ (26 chỗ ngồi và 25 chỗ đứng) nên không gian trong xe rất thông thoáng. Theo kế hoạch điều phối của trung tâm, từ ngày 15-8 đến hết ngày 18-8 và từ ngày 31-8 đến hết ngày 2-9-2019, tuyến số 69 hoạt động với tần suất 106 chuyến/ngày vào các ngày trong tuần. Từ ngày 19-8 đến hết ngày 30-8 và từ ngày 3-9, xe sẽ hoạt động với tần suất 140 chuyến/ngày từ thứ hai đến thứ sáu và 124 chuyến/ngày vào thứ bảy và chủ nhật. Thời gian hoạt động bắt đầu lúc 5 giờ 30 đến 20 giờ tại đầu Bến xe buýt Sài Gòn. Giá vé cho hành khách phổ thông là 6.000 đồng, giá vé cho học sinh – sinh viên là 3.000 đồng.
Với cự ly hơn 19km, tuyến xe buýt số 69 lưu thông theo lộ trình lượt đi như sau: Bến xe buýt Sài Gòn – Phạm Ngũ Lão – Yersin – Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Nguyễn Thị Nghĩa – Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Đình Chiểu – Lý Thái Tổ – Đường 3/2 – Thành Thái – Tô Hiến Thành – Lữ Gia – Nguyễn Thị Nhỏ – Bình Thới – Ông Ích Khiêm – Hòa Bình – Lũy Bán Bích – Vườn Lài – Văn Cao – Tân Hương – Tân Quý – Gò Dầu – Bình Long – Tân Kỳ Tân Quý – Lê Trọng Tấn – Dương Đức Hiền – Chế Lan Viên – Trường Chinh – Bến xe Tân Phú. Tương tự, lộ trình lượt về như sau: Bến xe Tân Phú – Trường Chinh – Chế Lan Viên – Dương Đức Hiền – Lê Trọng Tấn – Tân Kỳ Tân Quý – Bình Long – Gò Dầu – Tân Quý – Tân Hương – Văn Cao – Vườn Lài – Lũy Bán Bích – Hòa Bình – Ông Ích Khiêm – Bình Thới – Nguyễn Thị Nhỏ – Lữ Gia – Tô Hiến Thành – Thành Thái – Đường 3/2 – Lý Thái Tổ – Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Thị Nghĩa – Lê Lai – Bến xe buýt Sài Gòn.
Điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt hiện hữu
TP.HCM hiện có hơn 3.000 xe buýt hoạt động trên 200 tuyến, đáp ứng khoảng 10,7% nhu cầu đi lại của người dân. Mỗi năm ngân sách chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt, riêng trong năm 2019 ngành giao thông phấn đấu đạt mục tiêu vận chuyển 656 triệu lượt hành khách trong toàn hệ thống. |
Căn cứ Quyết định số 3408/QĐ-SGTVT về tạm ngưng khai thác tuyến xe buýt không trợ giá số 42 (chợ Cầu Muối – Chợ nông sản Thủ Đức) do hoạt động không hiệu quả, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã cho tạm ngưng hoạt động tuyến xe buýt này từ ngày 10-8-2019. Sau khi tuyến này ngưng hoạt động, cơ quan chức năng khuyến khích hành khách chuyển sang sử dụng tuyến xe buýt số 19, do tuyến xe buýt số 42 có lộ trình tương tự. Bên cạnh việc tạm ngưng khai thác tuyến xe buýt 42, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đã điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt khác. Trong đó có các tuyến xe buýt trợ giá số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung – Khu Công nghệ cao quận 9), tuyến số 76 (Long Phước – Suối Tiên – Đền Vua Hùng), tuyến số 150 (Bến xe Chợ Lớn – Ngã 3 Tân Vạn) và các tuyến không trợ giá số 602 (Đại học Nông Lâm – Bến xe Phú Túc), tuyến số 611 (Thủ Đức – Dĩ An).
Để chuẩn bị cho thời điểm Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động, ông Đỗ Ngọc Hải (Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM) cho biết đã có phương án điều chỉnh 29 tuyến xe khách sang bến xe mới, đồng thời các đơn vị cũng đã hoàn tất thủ tục đặt hàng tuyến xe buýt mới hoàn toàn là tuyến số 67. Đây là tuyến kết nối Bến xe Miền Đông mới và Bến xe Miền Đông cũ, với tần suất hoạt động dự kiến khoảng 80 chuyến mỗi ngày. Ngoài tuyến buýt mới này, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết Sở GTVT đã bố trí thêm 3 tuyến xe buýt trợ giá và 3 tuyến không trợ giá trong giai đoạn 1 để kết nối với bến xe mới, sau đó sẽ mở tiếp 2 tuyến xe buýt nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Trong nỗ lực phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay đã giải ngân 494 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt cho 12 doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải. Trong số các doanh nghiệp vận tải đã nhận giải ngân, Hợp tác xã vận tải 19/5 là đơn vị được thanh toán trợ giá nhiều nhất với gần 130 tỷ đồng. Đây là hợp tác xã vận tải có nhiều tuyến xe buýt hoạt động với lưu lượng hành khách lớn, trong đó có tuyến Bến Thành – Đại học Quốc gia, Bến Thành – An Sương… TP.HCM hiện có hơn 3.000 xe buýt hoạt động trên 200 tuyến, đáp ứng khoảng 10,7% nhu cầu đi lại của người dân. Mỗi năm ngân sách chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt, riêng trong năm 2019 ngành giao thông phấn đấu đạt mục tiêu vận chuyển 656 triệu lượt hành khách trong toàn hệ thống.
Đinh Vũ
Bình luận (0)