Bán nước sạch tại xã Phú Xuân, Nhà Bè |
Thành phố chỉ mới bước vào tâm điểm của mùa khô, thế nhưng việc mua nước sinh hoạt “đắt như tôm tươi” tại các quận ven, huyện ngoại thành đang nổi lên. Nhiều người dân than trời vì hàng ngày phải mua nước với giá cao gấp 5 – 10 lần so với nội thành…
Bỏ xưởng… vì giá nước cao
Theo chân người bạn ở địa phương, tôi tìm đến khu nhà trọ ở khu vực ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Những căn phòng trọ đóng cửa im ỉm, người chủ khu nhà giãi bày: “Từ trước tết đến giờ nước khan hiếm, nên được đôn lên giá cao quá, nhiều tốp công nhân lũ lượt rời khỏi phòng trọ đi nơi khác xin làm rồi. Nếu anh có ở thì tiền thuê phòng là 200.000 đồng/tháng, tiền điện chủ nhà bao, nhưng tiền nước phải tự lo… nếu đồng ý thì ở”. Dạo quanh khu nhà trọ hàng chục phòng nhưng chỉ có vài công nhân còn bám trụ để chờ lấy lương, thưởng từ trước tết chưa lấy được. Nguyễn Thanh Hoàng, công nhân làm KCN Hiệp Phước tâm sự: “Nước ở đây đắt quá, 50.000 đồng/khối lận anh ơi, tháng nào gói ghém xài tiết kiệm lắm thì cũng mất gần 400.000 đồng. Lương ba cọc ba đồng thì lãnh ra bao nhiêu tiền nước ngốn hết rồi còn gì. Chờ đợi công ty trả nốt tiền thưởng tết và tiền lì xì đầu năm thì mấy anh em chúng tôi cũng “biến” khỏi nơi đây thôi anh ạ”. Dạo quanh KCN Hiệp Phước, mới thấu hiểu nỗi khổ của Hoàng cũng là nỗi khổ chung của hàng ngàn công nhân thuê nhà trọ nơi đây đang đối mặt với nạn “khát nước”.
Trời sẩm tối, một tốp công nhân Thủy, Hương, Loan, Hà… đang làm ở KCX Tân Thuận, trọ tại xã Phú Xuân (Nhà Bè) vẫn ngồi bó gối trước thềm nhà trọ. “Bọn em vừa mới đi làm về, mệt lắm muốn tắm rửa, nghỉ ngơi nhưng không có nước để tắm. Mấy ngày nay, nước ở đây được đôn lên 40.000 đồng/khối nên đâu đứa nào dám mua nước sử dụng. Còn nước giếng khoan thì mấy ngày nay phèn nặng nên tắm giặt rất ngứa ngáy”. Vậy các chị giờ tính sao? “Còn biết tính sao nữa, đợi lĩnh tháng lương tới thì tìm chỗ ở mới, hoặc chuyển đi KCN khác để làm. Chứ cảnh tượng lương không đủ tiền mua nước thì làm sao sống được. Mới bước vào mùa khô mà giá nước đắt đỏ kiểu này chắc chuyển đi nơi khác sống thôi anh ạ” – Hà thở dài trong sự ngán ngẩm tột cùng.
Hơn 15 giờ chiều 23-2, chúng tôi ghé điểm đổi nước của anh Linh, ấp 1, xã Long Thới (Nhà Bè), tuy không còn cảnh chen chúc đổi nước như những ngày trước tết, nhưng giá nước bán lẻ cho người sử dụng hiện nay vẫn không đổi. Qua tìm hiểu được biết tại các điểm này, giá nước được bán ra từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/khối. Giới xe đẩy, ba gác máy chở nước bán dạo đôn lên từ 40.000 đồng – 50.000 đồng/khối tùy quãng đưỡng xa hay gần. “Ở những phòng trọ cho thuê thì công nhân mới là người lãnh đủ vì giá nào họ cũng phải mua và không có quyền lựa chọn” – anh Linh phân trần.
“Khát” nước khắp nơi
Cái nắng chang chang như nung nấu da người của những ngày thành phố đang bước vào mùa khô dường như càng làm cho đội quân chở nước dạo của vùng Nam TP đang gặp phải “thiên thời”. 13 giờ 30 trưa 23-2, tại khu vực ấp 5 xã Phú Xuân, đội quân chở nước bán dạo dập dìu trên các con đường quê, ngõ phố… Ông Thành, lăm le chiếc máy điện thoại di động ra khoe với tôi: “Mới tậu được của thằng em họ, tuy phải trả thêm một khoản tiền mua sim cạc, tiền thuê bao hàng tháng nhưng cũng phải ráng vì hiện đang bước vào “cao điểm” của việc bán nước. Nếu không có điện thoại liên lạc thì sẽ không thể cạnh tranh được với những người bán nước khác” – ông Thành cho hay.
Chiều 22-2, thấp thoáng thấy xe nước đang men theo con hẻm ngoằn ngoèo tại phường Phú Mỹ, quận 7, chúng tôi bám theo. Đến cuối con hẻm, chiếc xe nước dừng tại nhà anh Đỗ Việt Cường. Đợi người bán nước dạo chạy xe đi khuất, anh Cường lắc đầu ngao ngán: “Tết có bà con ở quê vào chơi nên chỉ hơn chục ngày nghỉ mà tiền nước đã “ngốn” gần 400.000 đồng. Mua nước lẻ kiểu này mà đông người thì chịu sao thấu. Biết vậy nhưng cũng phải chịu, chứ đâu còn giải pháp nào hơn, có chăng là bán nhà dời đi nơi khác ở thì mới mong cải thiện được chuyện nước sinh hoạt”.
Tại khu vực Mương Lớn, Sóc Vàm (Nhà Bè) và kéo dài đến các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, An Thới Đông… (Cần Giờ) là những xã nằm bên kia sông Soài Rạp, người dân nơi đây cũng rất khổ với nước sinh hoạt. Vì nhà nghèo không có chum, lu, bình đựng nước nên hàng ngày người dân sống ven sông vẫn phải ra bờ sông chờ ghe nước đi qua để mua. Dĩ nhiên giá nước nơi đây cũng được đội lên gấp 10, 15 lần so với giá nước khung của thành phố cung cấp. Bà Nguyễn Thị Tư, ở Mương Lớn, Nhà Bè khi được hỏi về nước sinh hoạt nói như mếu: “Dân ở đây đa phần là sống bằng nghề đốn dừa nước hoặc chằm lá dừa thuê. Mỗi ngày chỉ kiếm được từ 15.000 đồng – 20.000 đồng là nhiều, thế nhưng nếu không dè xẻn cho việc mua nước thì xem như không còn đồng nào để ăn. Ngặt nỗi, mấy ngày nay nước xâm mặn làm cho việc lấy nước sông để tắm giặt cũng không được, còn mua nước ngọt để xài thì tiền nào chịu cho thấu!”.
Không chỉ người dân vùng Nam TP chịu bao nỗi nhiêu khê về nước mà cả người dân vùng cánh Bắc TP thì tình trạng mạch nước ngầm sụt giảm và ô nhiễm cũng là nỗi khổ sở không kém. Với người dân xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi thì việc thụt giảm mạch nước ngầm đã làm hệ thống giếng khoan bơm tay của UNICEF bị tầng nước phèn tấn công. Anh Lê Văn Phước, ấp 4B thừa nhận: “Năm trước vào thời điểm này giếng bơm tay của nhà còn xài được. Còn năm nay nước bơm lên không thể sử dụng được vì độ phèn rất chua. Sắp nhỏ tắm giặt bị nước ăn da làm ngứa ngáy. Mấy ngày nay phải nhờ thợ khoan cái giếng khác sâu đến 70 mét, xài tạm được nhưng cũng không hết hẳn mùi phèn, vị chua lờ lợ…”. Dạo quanh trong xã, hàng chục giếng khoan tay kiểu này của người dân trong xã đều hư hỏng hoặc đập bỏ vì không còn tác dụng. Nhà nào có tiền thì chuyển qua khoan giếng, còn những người không tiền thì lấy nước sông xài cầm chừng. “Không biết sắp tới đây, nước xâm mặn trên sông Sài Gòn thì dân ở đây biết lấy gì để sử dụng đây” – anh Trần Văn Lê, ấp 6, xã Bình Mỹ lo lắng.
Huỳnh Sang
Bình luận (0)