Qua khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (TT DBNCNL) TP.HCM đưa ra dự báo, tổng cầu lao động sáu tháng cuối năm 2011 của các DN sẽ vượt con số 135.000 lao động.
Chỉ số giá cả sáu tháng đầu năm 2011 tăng cao so với cuối năm 2010 đã tác động mạnh và ảnh hưởng đến sự biến động của thị trường lao động, đối tượng bị tác động nhiều nhất là lao động phổ thông. Chính sự tác động này dẫn đến tình trạng nhiều lao động phổ thông đã phải chuyển đổi chỗ làm việc, mong muốn có thu nhập cao hơn.
Tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN), sự biến động về lao động diễn ra rõ nét nhất, có khoảng 30.000 lao động thôi việc, bỏ việc trong sáu tháng đầu năm 2011 (chiếm khoảng 12% tổng số lao động đang làm việc). Theo thống kê của Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM, có trên 1.000 DN đầu tư vào 13 KCX-KCN tại TP.HCM với tổng số 252.568 lao động đang làm việc. Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc TT DBNCNL TP.HCM, quý II/2011 thị trường lao động có lúc biến động khó kiểm soát. Theo đó, một số DN đã phải tinh giản bộ máy quản lý nhân sự, đổi mới phương pháp tuyển dụng và chú trọng hơn đến việc nâng cao phúc lợi, lương để giữ chân người lao động. Chỉ số tuyển dụng lao động trong 6 tháng đầu năm 2011 tăng bình quân 30% so với 6 tháng cuối năm 2010. Nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều và tăng mạnh nhất là dệt may – giày da, lắp ráp điện tử, cơ khí, luyện kim… Nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng tăng trên 62% so với sáu tháng cuối năm 2010. Trong đó, nhóm ngành cung không đủ cầu là marketing, kiểm toán, xây dựng – kiến trúc, viễn thông, bảo hiểm y tế – chăm sóc sức khỏe, CNTT, quản lý điều hành và quản lý nhân sự…
Đó là nhận định của TT DBNCNL TP.HCM về tổng cầu lao động từ các DN đóng trên địa bàn TP. Cụ thể, chỉ tính riêng những DN trong các KCX-KCN sẽ cần tuyển thêm 28.000 lao động. Ông Trần Anh Tuấn cho biết, dự kiến trong quý III/2011 các DN trên địa bàn TP sẽ tuyển khoảng 60.000 chỗ làm việc. Trong khi đó, nhu cầu lao động phổ thông trong những tháng cuối năm 2011 sẽ giảm so với những tháng đầu năm, nhưng tỷ lệ vẫn chiếm tới 40% tổng nhu cầu. Những ngành nghề thâm hụt lao động như: da giày, dệt may, chế biến thực phẩn, lắp ráp điện tử, cơ khí, luyện kim, bán hàng… vẫn tiếp tục thiếu lao động. Theo đánh giá của các chuyên gia nhân sự, nhóm nhân lực có trình độ tay nghề và trình độ chuyên môn cao nhưng có thu nhập thấp sẽ tham gia mạnh vào thị trường chuyển dịch lao động trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho những DN đang có kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân lực cho năm sau.
Q.Huy
Bình luận (0)