Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM – Khi nào hết ngập?: Kỳ 1: Khổ vì ngập kinh niên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong lúc các nơi khác đã khô ráo thì đường An Dương Vương (quận 6) vẫn còn ngập nước
TP.HCM hiện có 27 điểm ngập úng, trong đó có 14 điểm tái ngập, 2 điểm phát sinh mới và 11 điểm ngập cũ. Tình hình ngập nước nghiêm trọng vào mùa mưa năm nay tiếp tục gây khó khăn cho giao thông, thậm chí làm xáo trộn đời sống của người dân TP này.
Nỗi lòng biết tỏ cùng ai?
Trưa ngày 5-11 nắng rát, những điểm ngập ở TP.HCM hầu hết đã khô ráo, thì trên đường An Dương Vương, quãng từ ngã ba An Dương Vương –  Trương Đình Hội đến đoạn Công ty Hoàng Kim Thế Gia (133 An Dương Vương, P.An Lạc, quận Bình Tân) dài khoảng 500m vẫn còn ngập nước. Chị Hằng, nhân viên Công ty TNHH Hiệp Hưng cho hay năm nào cũng chịu cảnh ngập, nhưng riêng năm nay là bị ngập nặng nhất.
Cũng trên cung đường này, cách khu vực công ty nơi chị Hằng làm việc chỉ hơn 1km về hướng đại lộ Võ Văn Kiệt, 29 hộ dân ở hẻm 149 thuộc khu phố 4 vài năm trở lại đây cũng chịu cảnh ngập lụt thường xuyên bởi triều cường, mưa và do ảnh hưởng của mực nước ở một cái hồ lớn ngay bên cạnh khu vực họ sinh sống. Theo lời người dân thì cái ao này tọa lạc ngay bên cạnh Trường TH-THCS Bình Tân và đây cũng là khu quy hoạch làm công viên từ rất lâu. Tuy nhiên, các hộ dân không cam cảnh ngập lụt nên đã cùng đóng góp mua bao cát đắp đập be bờ để ngăn nguồn nước ao đổ vào lối đi chung. Riêng nguồn nước cống dâng lên mỗi khi triều cường hoặc mưa thì người dân cũng chung tay xử lý bằng 4 máy bơm. Suốt mấy tuần qua, các máy bơm phải hoạt động từ 3 giờ sáng để đến khi trời sáng thì đường kịp khô ráo cho các hộ người dân đi lại được thuận tiện. Vào thời điểm ban ngày, một máy bơm sẽ vẫn tiếp tục hoạt động và vòng tuần hoàn mỗi ngày cũng sẽ diễn ra liên tục như vậy.
Tính từ đầu mùa mưa đến nay, những trận ngập nặng vẫn diễn ra, nhưng tần suất dường như dày hơn vào tháng 10. Cụ thể vào ngày 10-10, triều cường tại TP.HCM lại xác lập kỷ lục mới với đỉnh triều đạt 1,7m tại trạm Nhà Bè khiến nhiều khu vực bị ngập sâu. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Cùng đợt triều cường này, người dân ở bến Phú Định (quận 8) cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước tràn vào nhà cửa. Các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Định Của (quận 2), Huỳnh Tấn Phát, Phú Thuận (quận 7)… cũng rơi vào cảnh tương tự. Riêng đường Mã Lò (P.Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM) bị ngập sâu khoảng 1m, có những chỗ ngập hơn 1m. Theo người dân khu vực này, đây là đợt ngập lịch sử kể từ trước đến nay và là đợt ngập thứ 3 liên tiếp trong những ngày gần kề nhau.
Cũng trong tháng 10, vào chiều ngày 19, sau cơn mưa lớn kéo dài gần 2 giờ, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 6, 11, Bình Tân, Tân Phú… rơi vào cảnh ngập nặng khiến mọi sinh hoạt của người dân bị xáo trộn và giao thông cũng tê liệt hoàn toàn. Cụ thể tại đường Tây Thạnh (quận Tân Phú) nước ngập hơn nửa mét khiến hàng loạt xe chết máy, giao thông ùn ứ nghiêm trọng; ở đường Tân Hóa (đoạn giao với đường Hồng Bàng, giáp ranh giữa hai quận 6 và 11), nước ngập đến gần 1m khiến hàng trăm phương tiện cả xe máy lẫn ô tô đều chết máy.
Ngập không phải… tại trời
Theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, trong mùa mưa năm nay, TP.HCM sẽ có ít nhất 52 tuyến đường có nguy cơ ngập do mưa và 24 tuyến đường ngập do mưa kết hợp với triều cường. Trong đó, các quận 5, 11, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức dự báo có nhiều tuyến đường bị ngập nhất.
Đó cũng chính là nỗi ưu tư của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín khi truy vấn các sở, ngành về nguyên nhân xuất hiện nhiều điểm tái ngập tại cuộc họp bàn về giải pháp chống ngập cấp bách trên địa bàn với các sở, ngành và quận huyện vào chiều 21-10.
Theo ông Tín, tình trạng ngập úng “không phải ông trời mưa nhiều, không phải triều cường tăng cao mà cốt lõi là lỗi chủ quan nào của chúng ta trong thời gian qua khiến tình trạng ngập trầm trọng thêm? Đừng đổ tại trời, tại đất nữa!”.
Theo Trung tâm Chống ngập TP, nguyên nhân chính là do hầu hết các tuyến cống tại TP đều được thiết kế theo tiêu chuẩn của quy hoạch 752 năm 2001 nên khi lượng mưa trên 75-85mm sẽ không kịp thoát nước. Mặt khác việc công trình Tân Hóa – Lò Gốm thi công thu hẹp dòng chảy đã gây ra tình trạng ngập úng thường xuyên và nghiêm trọng như hiện nay.
Cũng theo phản ánh của người dân ở những nơi được dự báo có nhiều tuyến đường bị ngập tại các quận 5, 11, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức, nguyên nhân gây ngập là do tại các khu vực này chưa có hệ thống thoát nước, hoặc hệ thống thoát nước cũ lâu ngày đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, trước mắt TP sẽ làm 4 hồ điều tiết gồm hồ Khánh Hội (quận 4), Thủ Thiêm, hồ chứa nước kênh Ba Bò (Thủ Đức) và hồ ở Bình Chánh. Đồng thời vị Phó chủ tịch cũng yêu cầu các cơ quan chống ngập bổ sung thêm máy bơm túc trực tại các điểm ngập để tăng cường bơm thoát nước. Lộ trình đến năm 2015 phải xử lý dứt điểm 27 điểm ngập của TP.
Bài, ảnh: Bích Vân
Trung tâm TP sẽ hết ngập?
Trong báo cáo về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Chống ngập TP.HCM dự báo đến hết năm 2015 trung tâm TP hết ngập. Những khu vực như: Thủ Đức, quận 2, quận 9 vẫn có thể tiếp tục ngập trong mùa mưa này. Trung tâm Chống ngập TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, giải quyết các điểm ngập còn lại trên địa bàn TP; tăng cường thực hiện các dự án nạo vét, cải tạo các sông, kênh rạch phục vụ thoát nước…
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)